An Giang: Bắt giữ xe tải chở hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang vừa phát hiện, bắt giữ 1 xe tải vận chuyển số lượng lớn hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị lớn.

Mới đây, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa phối hợp cùng Công an thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ 1 xe ô tô tải vận chuyển số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 16/7, trong lúc tuần tra, chống buôn lậu trên địa bàn thị xã Tịnh Biên, khi đến khu vực tổ 13 (khóm Phú Hiệp, phường An Phú), tổ công tác phát hiện xe ô tô tải mang BKS 67H - 012.73, do tài xế Lý Thanh Hùng (sinh năm 1992, trú tại TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) điều khiển có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện kiểm tra.

Quan kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 512 can nước giặt xuất xứ Thái Lan, 77 bao quần áo các loại và 3 bao dép, tổng trị giá khoảng 900 triệu đồng.

Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị thu giữ
Số hàng hóa không rõ nguồn gốc bị thu giữ 

Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Hùng không xuất trình được hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hoá trên. Làm việc với cơ quan công an, Hùng khai nhận vận chuyển số hàng hoá trên từ TP. Hồ Chí Minh về thị xã Tịnh Biên.

Hiện vụ việc được bàn giao cho Công an thị xã Tịnh Biên tiếp tục xác minh, xử lý.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.


Tin liên quan

Tin mới