Bamboo Airways đang thực sự nằm trong tay ai?

Một điểm đáng chú ý với con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Bá Sâm cho Bamboo Airways vay. Đó là nó tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay.

Tại ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways – Mã chứng khoán: BAV) hôm 9/5, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng cho biết, Bamboo Airways được sáng lập bởi duy nhất ông Trịnh Văn Quyết, song đến thời điểm này, BAV được sở hữu bởi nhiều cổ đông.

Trong đó, có 5 cổ đông lớn là ông Trịnh Văn Quyết sở hữu trên 10% cổ phần, ông Lê Thái Sâm sở hữu 12,5% cổ phần, ông Doãn Hữu Đoàn sở hữu 23% cổ phần, Tập đoàn FLC nắm hơn 21% cổ phần và Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) sở hữu khoảng 11% cổ phần.

Cơ cấu cổ đông Bamboo Airways-1

Tỷ lệ sở hữu này có sự thay đổi so với thời điểm ngày 17/2/2021, khi thông tin từ Bamboo Airways tiết lộ, CTCP Tập đoàn FLC (FLC) sở hữu 39,4%, 2 cổ đông chiến lược khác là ông Trịnh Văn Quyết sở hữu 35,4% và FLC Faros nắm 8,57%.

Tỷ lệ sở hữu của FLC Group giảm xuống dưới 50% sau khi hãng hàng không thực hiện tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng vào ngày 5/2/2021. Tuy vậy, ở thời điểm đó, nhóm cổ đông chiến lược trong hệ sinh thái FLC vẫn nắm giữ hơn 83% vốn của Bamboo Airways.

Cơ cấu cổ đông Bamboo Airways-2

Theo thông tin chúng tôi được biết, vào ngày 10/3/2023, ông Trịnh Văn Quyết đã có giao dịch chuyển nhượng cổ phần cho ông Lê Thái Sâm và số cổ phần này tiếp tục được dùng làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng Phương Đông chi nhánh Thăng Long.

Ghi nhận gần 235 triệu cổ phần BAV đang được ông Sâm sử dụng để làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng này. Trong khi đó, Quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, tiền lãi, tiền phạt của một hợp đồng vay giữa ông Sâm và Tre Việt đang được dùng làm tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Liên Việt.

Cơ cấu cổ đông của Bamboo Airways sẽ tiếp tục thay đổi sau Đại hội cổ đông bất thường nói trên, khi HĐQT FLC đã quyết nghị việc chuyển nhượng toàn bộ 401,5 triệu cổ phần BAV mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm. Ông này cũng đang nắm 231,7 triệu cổ phiếu BAV (tính đến ngày 3/5/2023). Tổng cộng, ông Sâm sẽ “chắc tay” nắm 633,2 triệu cổ phần BAV, tương đương 34,2% vốn điều lệ Bamboo Airways.

Sau đó, theo phương án tăng vốn điều lệ do ông Sâm đề xuất và đã được ĐHCĐ bất thường thông qua, Bamboo Airways dự kiến phát hành 772 triệu cổ phần cho các chủ nợ để hoán đổi nợ thành cổ phần và phát hành 378 triệu cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược.

Theo thông tin từ văn bản kiến nghị của ông Sâm, ông này đã cho Bamboo Airways vay 7.727,8 tỉ đồng (bao gồm cả gốc và lãi) không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo.

Nếu toàn bộ 772 triệu cổ phần nêu trên được phát hành để hoán đổi nợ với ông Lê Thái Sâm, ông này sẽ cầm hơn 1,4 tỷ cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu ở Bamboo Airways lên mức 46,8%.

Cơ cấu cổ đông Bamboo Airways-3

Một cổ đông khác là Ngân hàng NCB đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng toàn bộ 203 triệu cổ phần BAV đang nắm giữ, vốn là tài sản đảm bảo cho các khoản vay trước đây. Điều này sẽ khiến cho cơ cấu cổ đông tại Tre Việt tiếp tục biến động.

Một điểm đáng chú ý với con số 7.727,8 tỷ đồng mà ông Lê Bá Sâm cho Bamboo Airways vay. Đó là nó tương đương với số tiền mà Tập đoàn Him Lam đã cho hãng hàng không này vay. Trước đó, một bài phỏng vấn của Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân trên Báo điện tử Chính phủ vào tháng 3/2023 tiết lộ, trong thời điểm khó khăn, hãng đã kêu gọi được sự hỗ trợ từ một số nhà đầu tư lớn chung tay giúp hãng vượt qua khủng hoảng. Điển hình như Công ty cổ phần Him Lam đã cho Bamboo Airways vay 8.000 tỉ đồng.


Tin liên quan

Tin mới