Bếp điện từ của hệ thống Bếp Việt không gắn dấu hợp quy, chất lượng có đảm bảo?

Hàng loạt bếp điện từ tại hệ thống Bếp Việt (Công ty TNHH DANN Việt Nam) không gắn dấu hợp quy khiến người dùng lo lắng về chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

Nhiều sản phẩm bếp tại cửa hàng Bếp Việt không gắn hợp quy theo quy định

Đối với vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm bếp điện, bếp điện từ, Bộ KH&CN đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN về tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng. Tới năm 2018, phần sửa đổi 1 của quy chuẩn có bổ sung thêm sản phẩm bếp điện từ vào danh mục sản phẩm bắt buộc phải chứng nhận phù hợp QCVN 9:2012/BKHCN trước khi đưa ra thị trường. Quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp từ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.

Mặc dù quy định về chứng nhận, công bố và gắn dấu hợp quy cho sản phẩm bếp điện từ đã có từ lâu, tuy nhiên, trên thị trường bếp từ hiện nay vẫn có những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dòng sản phẩm này chưa thực hiện đúng quy định về chứng nhận chất lượng sản phẩm theo QCVN 9:2012/BKHCN. Điển hình như trường hợp của hệ thống Bếp Việt.

 Cửa hàng Bếp Việt (nằm trong hệ thống Bếp Việt) tại số 192 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội đang trưng bày, quảng cáo nhiều sản phẩm bếp điện từ không có dấu hợp quy (dấu CR).
 Cửa hàng Bếp Việt (nằm trong hệ thống Bếp Việt) tại số 192 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội đang trưng bày, quảng cáo nhiều sản phẩm bếp điện từ không có dấu hợp quy (dấu CR).

Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ thống Bếp Việt hiện bao gồm 26 cửa hàng trải dài từ Bắc vào Nam. Hệ thống này thuộc sở hữu của Công ty TNHH DANN Việt Nam (địa chỉ theo đăng ký kinh doanh tại số 500 Nguyễn Trãi, P. Thanh Xuân Trung, Q. Thanh Xuân,TP. Hà Nội). Tại Hà Nội, Bếp Việt có cửa hàng giới thiệu sản phẩm địa chỉ tại 192 Nguyễn Lương Bằng (Quận Đống Đa).

Trong vai khách hàng, phóng viên đã trực tiếp tới cửa hàng Bếp Việt (địa chỉ tại 192 Nguyễn Lương Bằng để kiểm chứng. Tại đây, phóng viên được nhân viên hệ thống siêu thị Bếp Việt tư vấn rất nhiều sản phẩm bếp từ đến từ nhiều thương hiệu với chất lượng, mẫu mã, giá cả khác nhau. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại hệ thống siêu thị Bếp Việt có không ít sản phẩm bếp từ chưa được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định. Đặc biệt là các sản phẩm của Công ty TNHH DANN Việt Nam.

Trong khi đó, QCVN 9:2012/BKHCN của Bộ KH&CN đã quy định rõ, các thiết bị điện và điện tử sản xuất trong nước, kinh doanh và nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải thực hiện công bố hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều sản phẩm tại hệ thống siêu thị Bếp Việt chưa được gắn dấu hợp quy theo quy định? Phải chăng những sản phẩm này chưa được chứng nhận và công bố hợp quy? Những sản phẩm chưa được chứng nhận có an toàn cho người sử dụng? Nếu như sản phẩm của siêu thị Bếp Việt không đảm bảo theo quy chuẩn, người tiêu dùng có được bồi thường hay hoàn trả lại tiền nếu xảy ra vấn đề hay không?

Sản phẩm bếp điện từ của Công ty TNHH Dann Việt Nam không có dấu hợp quy.
Sản phẩm bếp điện từ của Công ty TNHH Dann Việt Nam không có dấu hợp quy.

Doanh nghiệp không phản hồi về giấy chứng nhận

QCVN 9:2012/BKHCN đã nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chuẩn. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thiết bị điện, điện tử phải bảo đảm giới hạn nhiễu điện từ theo quy định kỹ thuật của quy chuẩn này.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp bằng chứng khi có yêu cầu hoặc được kiểm tra theo các quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy, doanh nghiệp có thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy phải kịp thời thông báo bằng văn bản đến tổ chức chứng nhận hợp quy về những thay đổi của các bộ phận liên quan đến EMC của thiết bị điện và điện tử đã được chứng nhận hợp quy. Doanh nghiệp phải lưu trữ hồ sơ không ít hơn 6 năm kể từ ngày sản phẩm cuối cùng của kiểu, loại đã công bố hợp quy được xuất xưởng (đối với thiết bị điện, điện tử sản xuất trong nước) hoặc được nhập khẩu (đối với thiết bị điện, điện tử nhập khẩu).

Website hệ thống Bếp Việt (sở hữu bởi Công ty TNHH Dann Việt Nam).
Website hệ thống Bếp Việt (sở hữu bởi Công ty TNHH Dann Việt Nam).

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã liên hệ đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của hệ thông Bếp Việt (Công ty TNHH DANN Việt Nam). Trao đổi với phóng viên, một người đàn ông tên Trần Công cho biết sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí và cho kiểm tra lại. Mặc dù khẳng định các sản phẩm bếp điền từ có chứng nhận hợp quy, tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp (để làm cơ sở thông tin khách quan) thì ông Công lảng tránh, không phản hồi. 

Câu hỏi đặt ra là, nếu sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy, tại sao phía hệ thống Bếp Việt lại "giấu" thông tin? Trong trường hợp đã có hợp quy, vì sao nhiều sản phẩm trên thị trường lại chưa được gắn dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định pháp luật?

Đối với vấn đề này, đề nghị Thanh tra Bộ KH&CN, Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin!


Tin liên quan

Tin mới