Cách thức nhận biết chiêu trò giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đang có nhiều đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Bộ Công an cho biết, các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án liên lạc qua giao thức Internet (VoIP), hoặc điện thoại trực tiếp để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt…

Hiện nay, đã có rất nhiều người bị lừa đảo bằng cách này. Các đối tượng thực hiện cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của con người. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức. Dù nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng cảnh báo về hình thức lừa đảo mạo danh này, tuy nhiên, số lượng nạn nhân vẫn không ngừng tăng lên do những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp.

Dấu hiệu nhận biết 

Sử dụng số điện thoại giả mạo: Đối tượng sẽ sử dụng số điện thoại giả mạo, có thể hiển thị số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc tòa án trên màn hình điện thoại của bạn. Hãy lưu ý rằng cơ quan chính thức sẽ không sử dụng số điện thoại giả mạo hoặc giả danh.

Đe dọa và áp lực tâm lý: Đối tượng sẽ sử dụng các cách thức đe dọa, áp lực tâm lý như khống chế, hăm dọa, nói dối về việc có liên quan đến các vụ án đang điều tra để tạo áp lực và đánh vào sợ hãi của nạn nhân.

Yêu cầu chuyển tiền hoặc thông tin cá nhân: Đối tượng sẽ yêu cầu bạn chuyển tiền vào một tài khoản cụ thể hoặc cung cấp thông tin cá nhân như số thẻ tín dụng, số căn cước công dân, mã số bảo mật và các thông tin nhạy cảm khác. Điều này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bạn.

Tạo áp lực thời gian: Đối tượng thường tạo áp lực thời gian cho bạn, tuyên bố rằng hành động phải được thực hiện ngay lập tức để tránh hậu quả nghiêm trọng. Họ sẽ cố gắng thuyết phục bạn rằng không có thời gian để suy nghĩ hay tham khảo người khác.

Hiện nay có nhiều đối tượng giả danh cơ quan chức năng để gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ảnh minh họa
Hiện nay có nhiều đối tượng giả danh cơ quan chức năng để gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò nhằm lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ảnh minh họa

Biện pháp phòng tránh

Để phòng chống và bảo vệ mình khỏi các hình thức lừa đảo như trên, theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân hãy áp dụng các biện pháp sau:

Giữ bình tĩnh và không bị đánh lừa bởi áp lực tâm lý và đe dọa.

Xác minh thông tin: Hãy tự xác minh danh tính và thông tin của người gọi bằng cách gọi lại vào số điện thoại chính thức của cơ quan đó hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan qua các kênh chính thức.

Không cung cấp thông tin cá nhân hay tiền bạc qua điện thoại, email hoặc các phương tiện truyền thông khác.

Báo cáo sự việc: Nếu bạn nhận được cuộc gọi đe dọa hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, hãy thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn.

Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ không yêu cầu bạn chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm qua điện thoại một cách đột ngột mà không có văn bản thông báo trước.


Tin liên quan

Tin mới