Chủ động ứng phó phòng vệ thương mại, tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa

Với việc tham gia và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở lớn. Tuy nhiên, khi quy mô xuất khẩu càng lớn thì Việt Nam càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện nay, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích của việc làm này chính là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập.

Theo đó, phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Sợi là một trong những mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại theo xu hướng chung trên thế giới.
Sợi là một trong những mặt hàng thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại theo xu hướng chung trên thế giới. 

Với việc tham gia và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang là nền kinh tế có độ mở lớn. Tuy nhiên, khi quy mô xuất khẩu càng lớn thì Việt Nam càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thống kê chỉ ra, tính đến hết tháng 9/2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 234 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện. Riêng trong 9 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 7 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến hàng tỷ USD; trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, hạn chế hiện nay của doanh nghiệp trong nước chủ yếu chưa nắm rõ về pháp luật phòng vệ thương mại. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia hiểu biết về luật pháp để theo dõi, chuẩn bị ứng phó linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu chưa hoàn thiện…

Thời gian tới, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế, khiến xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng.

Hơn nữa, việc tiếp tục thực hiện các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA... sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại các thị trường xuất khẩu, nhưng cũng sẽ khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Cục. Đồng thời, Cục sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để đưa ra dự báo từ sớm, từ xa giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch ứng phó hiệu quả với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.


Tin liên quan

Tin mới