Chuyên gia: Chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn

VN-Index đang có sự điều chỉnh trong ngắn hạn, đại diện Chứng khoán BSC cho rằng, xét về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn về định giá, tăng trưởng, cơ hội đầu tư và sự ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn ngoại.

GDP của Việt Nam tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023, đây là mức thấp hơn mục tiêu đã đề ra nhưng được đánh giá là một mức tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung còn nhiều khó khăn. Vậy các nhà đầu tư nước ngoài dự báo như thế nào về nền kinh tế Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023 cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ như thế nào trong thời gian tới?

Chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán đang có mức định giá P/E 11,4 lần và P/B 1,65 lần, là mức định giá hợp lý và hấp dẫn so với tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn.
Chuyên gia đánh giá, thị trường chứng khoán đang có mức định giá P/E 11,4 lần và P/B 1,65 lần, là mức định giá hợp lý và hấp dẫn so với tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn.

Chia sẻ trong Talkshow “Phố Tài chính”, ông Chung Jae Hoon Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, trước những khó khăn của nền kinh tế trong và ngoài nước, nền kinh tế Việt Nam trong quý I/2023 cũng đã có những ảnh hưởng nhất định, GDP quý I chỉ đạt 3,32%. Một số động lực cho tăng trưởng kinh tế như khu vực công nghiệp và xây dựng đã giảm nhẹ 0,4%. Trong khi đó hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng đã có sự sụt giảm.

Song theo các chuyên gia, vẫn có những điểm sáng trong bức tranh kinh tế bởi trong quý I/2023, một số động lực chính khác cho tăng trưởng kinh tế như khu vực dịch vụ đã tăng tốt 6,79%. Bên cạnh đó đầu tư công – một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế cũng đang được Chính phủ đẩy mạnh.

Về chính sách tiền tệ, ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân. Với những yếu tố trên, các tổ chức uy tín dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 vẫn sẽ đạt trên 6%.

Lý giải về nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam lại giảm mạnh trong thời gian dài và hiện tại thị trường cũng chỉ có sự phục hồi nhẹ, ông Chung Jae Hoon cho rằng sự lệch pha này đến từ việc thị trường chứng khoán Việt Nam là sự kỳ vọng và luôn đi trước những chuyển biến về vĩ mô và doanh nghiệp.

Cùng với đó thị trường chứng khoán Việt Nam phụ thuộc vào dòng tiền nhiều hơn là vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Cụ thể việc Fed tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá mạnh, Việt Nam đồng cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này dẫn đến dòng vốn ngoại từ mua ròng đã chuyển sang bán ròng mạnh.

Ngoài ra Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần nâng lãi suất điều hành để giảm áp lực lên tỷ giá giữa USD và VND, làm tăng gánh nặng chi phí của các doanh nghiệp. Dòng vốn có xu hướng hạn chế vào các lĩnh vực có rủi ro cao hơn như chứng khoán hay bất động sản. Như vậy nút thắt thanh khoản trên cả ba trụ cột của thị trường tài chính là thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường chứng khoán khi bước vào chu kỳ điều chỉnh.

Ông Chung Jae Hoon

Theo lãnh đạo BSC, trong những tháng đầu năm 2023, sau khi trải qua một năm đầy khó khăn, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán vẫn đang thận trọng, đặc biệt là trong điều kiện vĩ mô còn nhiều thách thức và triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp không quá khả quan.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, khiến thanh khoản chưa thực sự cải thiện rõ rệt.

“Nhìn chung, giai đoạn hiện nay chưa có yếu tố có thể kích thích dòng tiền mua ròng trong ngắn hạn”, ông Chung Jae Hoon cho biết.

Chuyên gia nhìn nhận Việt Nam đang là một nền kinh tế đầy triển vọng tại Châu Á Thái Bình Dương, khu vực tâm điểm kinh tế thế giới của thế kỷ 21, với tốc độ tăng trưởng tốt nhờ vào nhiều yếu tố.

Đầu tiên là hệ thống chính trị ổn định tạo ra môi trường kinh doanh cởi mở và ngày càng cải thiện. Thứ hai, Việt Nam có lợi thế thu nguồn vốn quốc tế qua đó tạo lợi thế cạnh tranh và đẩy nhanh cải tiến công nghệ. Thứ ba, thị trường tiêu dùng nội địa tăng trưởng tốt nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Yếu tố cuối cùng là kinh tế vĩ mô ổn định, nhờ sự cải thiện tích cực từ cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và chính sách điều hành linh hoạt nên tránh được các cú sốc từ bên ngoài và phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh.

Trong ngắn hạn chúng tôi cũng nhận thấy Việt Nam gặp một số khó khăn liên quan đến sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu và các yếu tố nội tại liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cho rằng đây chỉ là những khó khăn mang tính tạm thời và Việt Nam còn có dư địa để cải thiện môi trường đầu tư.

Dù vẫn đang có sự điều chỉnh trong ngắn hạn, đại diện BSC cho rằng xét về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hội tụ đủ các yếu tố hấp dẫn về định giá, tăng trưởng , cơ hội đầu tư và sự ổn định tỷ giá để thu hút dòng vốn ngoại.

“Theo đánh giá của chúng tôi, thị trường chứng khoán đang có mức định giá P/E 11,4 lần và P/B 1,65 lần, là mức định giá hợp lý và hấp dẫn so với tiềm năng phát triển trong trung và dài hạn”, ông Chung Jae Hoon nói.


Tin liên quan

Tin mới