Công ty xe tải "đi trước" VinFast làm ô tô điện mini dự kiến tung ra thị trường 5.525 chiếc xe điện trong năm 2023: Ai đứng sau?

Vốn điều lệ của TMT Motors ở thời điểm cuối quý 1 là 372,8 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch công ty đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 33% vốn. Ông Bùi Quốc Công, em trai ông Hữu, Phó Chủ tịch công ty là cổ đông lớn thứ hai khi sở hữu 10,41% vốn điều lệ TMT Motors.

Ảnh minh họa

Ngày 24/5, CTCP Ô tô TMT (TMT Motors, mã chứng khoán TMT) đã xuất xưởng Wuling HongGuang MiniEV - chiếc ô tô điện mini đầu tiên tại Việt Nam. TMT Motors sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền sản phẩm của liên doanh General Motors - SAIC - Wuling (Mỹ) tại thị trường Việt Nam.

Phía TMT Motors cho biết nhà máy ô tô điện này được đặt tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất sản xuất, lắp ráp giai đoạn 1 là 30.000 xe/năm và giai đoạn 2 là 60.000 xe/năm. Dự kiến ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV sẽ chính thức ra mắt và nhận đặt hàng trong quý II/2023.

Tại Trung Quốc, số tiền phải bỏ ra để sở hữu xe dao động từ 43.800-49.800 nhân dân tệ (tương đương 149-169 triệu đồng). Hiện tại, giá bán ở thị trường Việt Nam chưa được nhà sản xuất công bố. Hồi giữa tháng 5, Wuling Hongguang MiniEV cũng đã giới thiệu hình ảnh thực tế của mẫu xe này tại cơ sở sản xuất xe của TMT Motors ở Hưng Yên.

Chiếc Wuling Hongguang MiniEV ngày xuất xưởng
Chiếc Wuling Hongguang MiniEV ngày xuất xưởng

Mẫu ô tô điện mini này có ngoại hình nhỏ gọn, với hai cửa và 4 chỗ ngồi. Chiếc xe được kỳ vọng có đủ tính năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng tại thị trường Việt Nam, nhất là với những người đang cần một chiếc ô tô cỡ nhỏ để đi lại ở cự ly vừa phải, với chi phí vận hành tiết kiệm. Xe có thể được sạc tại các ổ điện dân dụng.

Như vậy, với chiếc xe lắp ráp mang thương hiệu Trung Quốc, TMT Motors đã “đi trước” VinFast trên thị trường xe điện mini tại Việt Nam, khi mà doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa hé lộ chuyện sản xuất xe điện cỡ nhỏ tại cuộc họp ĐHĐCĐ của Vingroup (HoSE: VIC) năm nay.

Theo đó, vị Chủ tịch chia sẻ, VinFast có thể sẽ cho ra mặt dòng xe VF3, siêu nhỏ một cửa với giá trên dưới 10.000 USD – 12.000 USD.

Từ trước đến nay, TMT Motors không phải là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và phân phối xe ô tô con, mà có thế mạnh về sản phẩm xe tải nhẹ máy dầu và tải nặng trên 24 tấn với 2 đối tác lớn là tập đoàn TATA (Ấn Độ) và Sinotruk (Trung Quốc).

Một mẫu xe tải TATA do TMT Motors phân phối.
Một mẫu xe tải TATA do TMT Motors phân phối.

Năm 2022, công ty này đã bán được 5.852 chiếc xe tải, phần lớn là xe tải nhẹ và tải trung. Nhưng trong kế hoạch năm 2023, TMT Motors đặt mục tiêu tiêu thụ sản phẩm mới là 5.525 chiếc xe điện.

Kế hoạch sản xuất xe

Bên cạnh nhà máy xe ô tô điện với sản lượng 30.000 xe/năm trong giai đoạn đầu, đơn vị này có kế hoạch trực tiếp đầu tư 2 showroom bán xe điện tại Tp.HCM và Hà Nội.

TMT Motors tiền thân là công ty Vật tư thiết bị Cơ khí Giao thông Vận tải thuộc Cục cơ khí – Bộ Giao thông Vận tải, thành lập từ 27/10/1976. Đến ngày 14/04/2006, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 870/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án và chuyển mô hình hoạt đông của công ty thành CTCP.

Vốn điều lệ của TMT Motors ở thời điểm cuối quý 1 là 372,8 tỷ đồng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch công ty đang là cổ đông lớn nhất khi nắm 33% vốn góp. Ông Bùi Quốc Công, em trai ông Hữu, Phó Chủ tịch công ty là cổ đông lớn thứ hai khi sở hữu 10,41% vốn điều lệ TMT Motors.

Cơ cấu cổ đông TMT Motors

Hàng năm, doanh thu của công ty vẫn lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục tỷ đồng. Trong 2 quý đầu năm 2022, TMT Motors cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng sau đại dịch như các doanh nghiệp phân phối ô tô trên sàn chứng khoán nhờ nhu cầu của người dân tăng và Chính phủ giảm phí trước bạ đến tháng 5 năm ngoái. Nhưng trong nửa cuối năm, tình hình kinh doanh của công ty lao dốc.

Cụ thể, năm 2022 doanh nghiệp này đạt 3.043 tỷ đồng doanh thu, 48,3 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 20,6% và 17% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nếu như quý 1 và quý 2 đạt lợi nhuận 25 và 42 tỷ thì trong quý 3, lợi nhuận ròng chỉ vài trăm triệu và đến quý 4 thì lỗ 16 tỷ.

Quý 1 /2023, do tình hình kinh tế vi mô không ổn định, lạm phát vẫn ở mức cao, sức mua của người dân giảm đã khiến lợi nhuận của TMT Motors giảm sút so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 709,6 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, giảm 92,3% so. Mặc dù vậy, kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với hai quý gần đây.

Lợi nhuận ròng TMT các quý

Trong văn bản giải trình, TMT cho biết doanh thu của công ty sụt giảm đáng kể chủ yếu là do nhu cầu của thị trường giảm và các chính sách ưu đãi thúc đẩy bán hàng. Cùng với đó, khách hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn bởi nhiều ngân hàng tiến hành siết chặt tín dụng dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.

Năm 2023, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu 4.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 57% và 60% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy sau 3 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 15% kế hoạch doanh thu và 2,6% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tại ngày 31/3, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.796 tỷ đồng, giảm 20,3% so với số đầu năm. Chiếm gần 70% tài sản của doanh nghiệp này là hàng tồn kho ở mức 1.937 tỷ đồng, giảm 21%. Nợ vay tài chính ở mức 1.352 tỷ đồng, gấp ba lần vốn chủ sở hữu.

Từ đầu năm 2023, các hãng xe tại thị trường Việt đã liên tục gia tăng sức cạnh tranh bằng hàng loạt các chương trình ưu đãi, giảm giá trên diện rộng đối với các mẫu xe đang chào bán nhằm thúc đẩy sức mua trên thị trường sau kết quả kinh doanh ghi nhận sự sụt giảm ở những tháng đầu năm. 

Kỳ vọng của một doanh nghiệp kinh doanh xe tải như TMT Motors là hoạt động đầu tư công của Nhà nước, kích thích nhu cầu xe chuyên chở nguyên vật liệu. Nhưng khi sức mua chưa cải thiện, TMT Motors cũng không nằm ngoài xu hướng ưu đãi, giảm giá. Theo thông báo trên trang chủ, doanh nghiệp này sẵn sàng tặng cho mỗi khách khi mua xe tải 100% phí trước bạ cùng phiếu nhiên liệu trị giá 10 triệu đồng.


Tin liên quan

Tin mới