CPTPP mang lại lợi thế cho thủy sản Việt Nam

Quý II/2023, xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch cao hơn 30% so với quý I với trên 2,3 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022, thì mức tăng trưởng âm 27,5% vẫn giữ nguyên từ quý I. Do vậy, tính đến hết nửa đầu năm nay, XK thủy sản thấp hơn 27,5% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 4,15 tỷ USD. XK sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm đáng kể, tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU (giảm lần lượt 46% và 33%), thì XK sang khối CPTPP vẫn có kết quả khả quan hơn.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, quý II/2023, XK thủy sản sang Mỹ và Trung Quốc có tín hiệu tích cực hơn, khi giá trị XK cao hơn nhiều so với quý I, trong đó, Mỹ cao hơn 49% và Trung Quốc cao hơn 57%. So với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng âm của 2 thị trường này cũng hạ thấp hơn so với quý I. Trong khi đó, XK sang Nhật Bản, Hàn Quốc và EU chỉ tăng con số khiêm tốn so với quý I, thậm chí so với cùng kỳ năm ngoái, thì bị giảm sâu hơn.

Có vẻ vấn đề tồn kho đang được giải quyết dần ở Mỹ và Trung Quốc nên 2 thị trường đang có nhu cầu NK trở lại, dù chưa mạnh mẽ nhưng cũng có tín hiệu tốt. Trong khi đó, lạm phát vẫn khiến cho người tiêu dùng các nước khác phải cân nhắc chi tiêu, do vậy, XK chưa có dấu hiệu đột phá ở Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và nhiều thị trường quan trọng khác.

Thị trường CPTPP: Ít áp lực cạnh tranh hơn
Thị trường CPTPP: Ít áp lực cạnh tranh hơn

Nửa đầu năm nay, XK thủy sản của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 1,12 tỷ USD, giảm 22%. Trong xu hướng chung của thế giới, sụt giảm XK là khó tránh với tất cả các thị trường, trong đó có các nước CPTPP. Tuy nhiên, so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU (giảm lần lượt 46% và 33%), thì khối CPTPP vẫn có kết quả khả quan hơn.

Trong đó, XK sang Nhật có mức giảm khiêm tốn 11%, nhờ sản phẩm GTGT của Việt Nam vẫn có ưu thế và đặc biệt là xu hướng gia tăng NK nguyên liệu hải sản từ Nhật vào Việt Nam để gia công, chế biến XK cho thị trường này. Đáng chú ý là Chile là nước duy nhất trong khối có mức tăng trưởng dương 15% trong 6 tháng đầu năm nay.

Thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng…, nên lựa chọn sản xuất hàng GTGT và tận dụng ưu đãi thuế NK theo hiệp định CPTPP đang là những giải pháp của nhiều DN vừa để ổn định việc làm cho người lao động, vừa để tận dụng công suất chế biến, tạo thêm nguồn thu nhập nhờ XK sang Nhật Bản cũng như các nước khác trong khối CPTPP.

Bối cảnh có nhiều yếu tố bất lợi trong những năm gần đây đang khiến Việt Nam mất dần vị thế tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, trước các nước khác có lợi thế nguồn cung và giá thành sản xuất thấp, giá bán cạnh tranh hơn như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia…Điển hình là sản phẩm tôm – mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam, ngày càng sụt giảm thị phần tại Mỹ và Trung Quốc khi những thị trường này tràn ngập tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ.

Trong khi đó, nhờ lợi thế về thuế nhập khẩu, thế mạnh về chế biến sâu, chế biến hàng GTGT và vị thế địa lý, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn giữ vị trí hàng đầu ở nhiều thị trường trong khối CPTPP.

Sau 5 năm (từ 2018 - 2022), XK thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP tăng 30% từ 2,2 tỷ USD lên 2,9 tỷ USD. Từ mức tỷ trọng 25% tổng kim ngạch XK thủy sản Việt Nam, tới năm 2022, con số này lên 27%. Những kết quả trên đã phản ánh rõ rệt lợi ích mà hiệp định CPTPP mang lại cho ngành XK thủy sản Việt Nam.

Cũng ví dụ, mặt hàng tôm, Việt Nam đang có vị thế số 1 tại Nhật Bản, chiếm 25-26% thị phần. Ấn tượng nhất là thị trường Australia đã tăng đột phá NK tôm Việt Nam sau 5 năm, khiến thị phần của Việt Nam tăng từ 32% lên 69%.

Sau 5 năm, thuế NK hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam sang các nước CPTPP đã về 0% hoặc được hưởng sẵn mức thuế cơ bản 0%. Lợi thế cạnh tranh này, các DN Việt Nam đã và đang tận dụng hiệu quả để giữ vị trí số 1 tại một số thị trường và gia tăng thị phần tại các thị trường khác.

Khối CPTPP chiếm 15,5% giá trị NK thủy sản của cả thế giới với kim ngạch NK từ 21 – 27 tỷ USD/năm. Năm 2022, nếu không tính Việt Nam, tổng kim ngạch NK thủy sản của 10 nước trong khối là 25 tỷ USD. Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho các nước trong khối CPTPP, sau Trung Quốc và Mỹ.

Dư địa ở khối thị trường CPTPP vẫn còn nhiều đối với thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta cần có được nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, cũng như đa dạng nguồn cung NK từ các nước nội khối. Cộng đồng DN thủy sản rất mong có sự đồng hành và hỗ trợ một cách hiệu quả của các bộ ngành trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, cụ thể là cần giải pháp về vốn cho ngành sản xuất và XK thủy sản, làm sao có được điều kiện tốt để tận dụng lợi thế từ hiệp định CPTPP và các hiệp định FTA khác để giữ được vị thế của thủy sản Việt Nam trên thế giới.


Tin liên quan

Tin mới