Đầu tư hoàn thiện đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành trước 2030

Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT vừa ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Cụ thể, Bộ GTVT sẽ tập trung hoàn thành mạng lưới giao thông theo quy hoạch, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường cao tốc, đường vành đai TP.HCM; đầu tư, nâng cấp các sân bay, đặc biệt là các sân bay đầu mối khu vực; đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy khu vực nội địa, kết nối các trung tâm đầu mối với hành lang vận tải đường thủy chính của vùng; nâng cao năng lực của các cảng biển; quan tâm phát triển đường sắt Bắc - Nam và các tuyến đường sắt đô thị TP.Hồ Chí Minh.

Đến 2026, hoàn thành cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Bến Lức - Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và đưa vào khai thác Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Đến năm 2030, Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành công trình đường Vành đai 4 HCM; các tuyến cao tốc TP.Hồ Chính Minh - Mộc Bài, TP.Hồ Chính Minh - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát, Dầu Giây - Liên Khương, Chơn Thành - Gia Nghĩa, Chơn Thành - Đức Hòa; nâng cấp, mở rộng hệ thống đường cao tốc, quốc lộ: HCM - Trung Lương, HCM - Long Thành - Dầu Giây, tuyến kết nối Cảng HKQT Long Thành.

Đối với hạ tầng đường sắt, giai đoạn này, Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ; Thủ Thiêm - Long Thành TP.HCM - Lộc Ninh; đoạn ưu tiên Nha Trang - TP.HCM của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đầu tư hoàn thiện đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành trước 2030

Về hạ tầng hàng không, phát triển mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo; tiếp tục đầu tư Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 2. Phối hợp, hỗ trợ Đồng Nai sớm khôi phục, nâng cấp cảng hàng không Biên Hòa thành lưỡng dụng cấp 4E.

Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, cần thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ quốc tế để phát triển kết cấu hạ tầng trong vùng. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn Trung ương và địa phương, có cơ chế chính sách phù hợp để huy động vốn tư nhân và các nguồn hợp pháp khác.

Bên cạnh đó, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý, để phát huy tính chủ động của địa phương, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bộ GTVT cần tập trung huy động đa dạng nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông có vai trò liên kết vùng.


Tin liên quan

Tin mới