Dệt may Thành Công triệt thoái toàn bộ vốn khỏi Savimex

Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) muốn bán nốt 203.330 cổ phiếu SAV đang nắm giữ, qua đó rút hoàn toàn vốn khỏi Công ty CP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex.
Cách đây ít lâu, Dệt may Thành Công đã có hai đợt thoái vốn bất thành tại Savimex.
Cách đây ít lâu, Dệt may Thành Công đã có hai đợt thoái vốn bất thành tại Savimex.

Cụ thể, chiều 22/5, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã đăng ký bán ra 203.330 cổ phiếu SAV, tương đương tỷ lệ sở hữu 1% tại Savimex, trong thời gian từ 25/5 – 15/6 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, Dệt may Thành Công sẽ không còn là cổ đông của Savimex.

Trước đó, Dệt may Thành Công đã có hai đợt thoái vốn bất thành tại Savimex.

Cụ thể, trong thời gian từ 13/3 - 11/4/2023, Dệt may Thành Công - lúc này đang là cổ đông lớn thứ hai của Savimex đã đăng ký bán toàn bộ gần 3,8 triệu cổ phiếu SAV, tương đương tỷ lệ sở hữu 20,59%. Tuy nhiên, kết thúc đợt giao dịch, Dệt may Thành Công chỉ bán được gần 2,4 triệu cổ phiếu và còn lại gần 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương 7,59%.

Sau đó, Dệt may Thành Công tiếp tục đăng ký bán toàn bộ số cổ phiếu này trong thời gian từ 19/4 - 18/5/2023. Lần thứ hai thoái vốn, Dệt may Thành Công bán được gần 1,2 triệu cổ phiếu và hiện còn nắm giữ 203.000 cổ phiếu Savimex. Tỷ lệ sở hữu chỉ còn hơn 1%.

Cũng trong thời gian đó, cổ đông chiến lược của Savimex là E-Land Asia Holdings Pte. Ltd. mua vào cổ phiếu SAV, nhưng với số lượng không đáng kể, gần 12.000 cổ phiếu, thông qua giao dịch khớp lệnh. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên 49,9%.

Mặc dù Dệt may Thành Công đã có động thái thoái vốn từ trước khi Đại hội Cổ đông thường niên 2023 của Savimex diễn ra, song trong Đại hội vừa qua, công ty này vẫn bầu bổ sung ông Nguyễn Văn Nghĩa (Thành viên HĐQT Dệt may Thành Công) làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Ngoài ông Nghĩa, hai thành viên HĐQT khác của Dệt may Thành Công cũng đang nằm trong HĐQT Savimex, đó là ông Lee Eun Hong và ông Jung Sung Kwan.

Về tình hình kinh doanh của Dệt may Thành Công, doanh thu thuần năm 2022 đạt 4.337 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 96% so với năm trước, đạt 281 tỷ đồng, là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, kỳ kinh doanh 3 tháng đầu năm 2023 của Dệt may Thành Công chứng kiến sự suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 876 tỷ đồng, lãi ròng đạt 55 tỷ đồng, giảm lần lượt 22% và 26% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân là do những khó khăn chung về sức cầu của thị trường dệt may. Một vài điểm sáng trong quý I/2023 là biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 15,5%, các khoản chi phí có xu hướng giảm. Trong kỳ, chi phí bán hàng giảm 21%, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 23%.

Đối với Savimex, tình hình kinh doanh quý I/2023 cũng kém sắc khi doanh thu công ty giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn 183 tỷ đồng, doanh thu xuất khẩu giảm 40%, xuống còn 155 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6,1 tỷ đồng, giảm tới 52% so với cùng kỳ.

So với kế hoạch kinh doanh năm 2023, kết thúc quý I/2023, Công ty mới chỉ thực hiện được 19% chỉ tiêu về doanh thu (980 tỷ đồng) và 13% chỉ tiêu lãi trước thuế (58 tỷ đồng).


Tin liên quan

Tin mới