EU nới lỏng quy định với mì ăn liền Việt Nam

Cơ quan chức năng của EU đã ra quy định mới, đó là đưa các loại mỳ ăn liền của Việt Nam từ Phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang Phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.

Theo đó, từ ngày 27/6, các mặt hàng mì ăn liền xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) không bị bắt buộc phải đi kèm giấy kiểm định an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

EU chính thức đưa các loại mì ăn liền Việt Nam từ phụ lục II (kiểm soát bằng chứng thư an toàn thực phẩm và kiểm soát tại cửa khẩu) sang phụ lục I với tần suất kiểm tra tại biên giới là 20%.

Ngoài mì ăn liền, ớt chuông từ Việt Nam vẫn nằm trong Phụ lục I với tần suất kiểm tra 50% tại cửa khẩu. Đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong Phụ lục II với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20%. Điều này có nghĩa là các mặt hàng nông nghiệp không có thay đổi so với quy định của sáu tháng trước.

EU nới lỏng quy định với mì ăn liền Việt Nam

Trước đó, từ ngày 1/1/2022, EU bắt đầu áp dụng quy định kiểm soát khẩn cấp đối với các loại bún, miến mỳ của Việt Nam. Tuy nhiên chỉ sáu tháng sau đó, EU đưa bún miến, các sản phẩm từ gạo ra khỏi danh mục quản lý an toàn thực phẩm. Và ở thời điểm hiện tại, sau 18 tháng kể từ thời điểm trên, mỳ ăn liền đã được chuyển từ mặt hàng thuộc diện xem xét Phụ lục II (kiểm soát theo chứng thư và tại cửa khẩu) sang Phụ lục I (kiểm soát tại cửa khẩu).

Tất cả những quy định trên cho thấy nỗ lực của Bộ Công Thương nước ta trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như tích cực hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân, việc EU vẫn duy trì kiểm soát tại cửa khẩu với tần suất 20% đòi hỏi Việt Nam luôn phải duy trì tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mì ăn liền.

Nếu trong 6 tháng cuối năm 2023, mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu vào EU có nhiều vụ vi phạm quy định an toàn thực phẩm thì lộ trình tiếp theo của EU sẽ là tăng giám sát lên mức 50% tại cửa khẩu và sau đó là đưa quay lại phụ lục II.

Có thể thấy, ngay từ đầu năm EU đã đưa ra nhiều quy định yêu cầu các đối tác xuất khẩu vào thị trường này phải tuân thủ các quy định về môi trường, lao động, chống phá rừng… Điều này liên quan tới nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như đồ gỗ, nội thất…

Hay các chính sách về cân bằng năng lượng, chuyển đổi cacbon, liên quan tới các ngành hàng xuất khẩu sắt thép, phân bón, hoá chất… Yêu cầu giảm rác thải đối với các ngành hàng như thời trang, dệt may, da giầy, điện tử.

Ngoài ra, cùng với các quy định về môi trường, EU sẽ đẩy mạnh kiểm soát về an toàn vệ sịnh thực phẩm, chống gian lận thương mại, bất hợp pháp… Những động thái này sẽ gây ra những khó khăn cho các nước khi tiếp cận thị trường EU. Do đó, đòi hỏi các nhà quản lý xuất khẩu Việt Nam phải chặt chẽ hơn trong việc áp dụng các quy định.


Tin liên quan

Tin mới