Giảm phát thải trong ngành điện: Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Việc giảm phát thải trong ngành điện là một trong những biện pháp cấp bách và hiệu quả nhất để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không. Đây là thời điểm mà Việt Nam cần hành động mạnh mẽ để giảm phát thải.

Kịch bản phát thải ngành điện Việt Nam

Với sự hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Đan Mạch trong ngành năng lượng trong những năm qua, ông Kristoffer Böttzauw - Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch nhấn mạnh, Đan Mạch là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm phát thải carbon, mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2045. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, Đan Mạch sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Về phía ông Rasmus Munch Sørensen - Cố vấn Năng lượng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cũng bổ sung rằng việc hành động ngay trong ngành điện sẽ giúp đạt được mục tiêu năm 2050 với chi phí thấp hơn và dễ dàng hơn. Tại Việt Nam hiện nay, nếu không có biện pháp quyết liệt, phát thải từ ngành điện dự kiến sẽ tăng 61% vào năm 2030 trong kịch bản cơ sở (BSL). Tuy nhiên, trong kịch bản phát thải ròng bằng không (NZ), con số này chỉ tăng 14%, nhờ vào các biện pháp giảm thiểu hiệu quả và sớm đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT).

Việc tích hợp NLTT vào hệ thống điện là chiến lược quan trọng giúp giảm phát thải. Theo dự báo, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2050 trong kịch bản NZ+, và tăng gấp 4 lần trong kịch bản Tăng trưởng xanh (GG). Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cơ cấu nguồn điện, với NLTT đóng vai trò chủ chốt.

Một số khuyến nghị quan trọng

Theo ông Rasmus Munch Sørensen, NLTT được dự báo sẽ sớm trở nên rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch và sẽ là nguồn điện rẻ nhất trên toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần có môi trường đầu tư ổn định trước năm 2030, với mục tiêu bổ sung 56 GW điện gió và điện mặt trời mới trước năm 2030. Việc phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm phát thải mà còn đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc cải thiện khung pháp lý để hỗ trợ đầu tư sớm vào NLTT là rất quan trọng. Các quy định pháp lý ổn định và dài hạn sẽ thúc đẩy sự phát triển của NLTT. Việt Nam cần đặt ra mục tiêu ngắn hạn đầy tham vọng cho việc khai thác nguồn điện NLTT và giảm thiểu rủi ro, chậm trễ trong việc phê duyệt các dự án.

Các công nghệ như thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) sẽ đóng vai trò quan trọng trong dài hạn, chủ yếu trong ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu vai trò của điện hạt nhân, đặc biệt là các lò phản ứng mô-đun nhỏ để đảm bảo hiệu quả chi phí trong hệ thống điện có tỷ trọng NLTT cao.

Cũng theo ông Rasmus Munch Sørensen, đến năm 2030, các nhà máy điện cần vận hành linh hoạt hơn để tích hợp hiệu quả NLTT. Điều này đòi hỏi phải tăng cường và ưu tiên vận hành linh hoạt hệ thống điện, cũng như đưa vào áp dụng các biện pháp hỗ trợ để cung cấp dịch vụ phụ trợ nhằm khuyến khích vận hành linh hoạt. Việc đặt ra các yêu cầu tiêu chuẩn hóa về phụ tải tối thiểu và tốc độ tăng giảm phụ tải cho các nhà máy điện hiện có và theo kế hoạch cũng là cần thiết.

Dự kiến NLTT sẽ chiếm tỷ trọng trên 60% sản xuất điện vào năm 2030. Để đảm bảo hiệu quả chi phí cho quá trình chuyển dịch hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không, cần đặt ra mục tiêu đạt tỷ trọng NLTT cao hơn nữa. Việc khai thác hoàn toàn điện mặt trời trên đất liền và điện gió ngoài khơi cũng là bước đi cần thiết. Những hành động này không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải mà còn mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Với sự hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ Đan Mạch và các quốc gia tiên tiến khác, Việt Nam có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển năng lượng sạch và bền vững.

Duy Trinh


Tin mới