Lúa gạo “bừng sáng” trong nhóm nông sản

Tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2023, gạo là mặt hàng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong nhóm nông sản, với giá bán duy trì ở vùng đỉnh 10 năm qua, giúp cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu hút nhà đầu tư.
Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu
Việt Nam đang tập trung sản xuất gạo chất lượng cao để phù hợp với xu hướng tiêu dùng toàn cầu

Nhu cầu cao, giá bán tốt

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 4/2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 2,33 tỷ USD, tăng 24% so với tháng 4/2022. Trong đó, mặt hàng gạo có mức tăng cao nhất là 54,5%, ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 1,56 tỷ USD; giá xuất khẩu bình quân là 526 USD/tấn, cao hơn 7,6% so với cùng kỳ.

Như vậy, xuất khẩu gạo tiếp tục khả quan sau khi có tháng đầu năm 2023 suy giảm về khối lượng và giá trị, dù giá tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, tháng 1/2023, lượng gạo xuất khẩu là 400.000 tấn, trị giá 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4%, trong khi giá xuất khẩu bình quân đạt 519,3 USD/tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Hai tháng sau đó, hoạt động xuất khẩu gạo sôi động trở lại, giúp khối lượng xuất khẩu gạo trong quý I/2023 đạt 1,793 triệu tấn, tăng 19,3%; mang lại kim ngạch 952 triệu USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu gạo bình quân trong quý I/2023 là 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với quý I/2022 cũng như cả năm 2022, cao nhất 10 năm qua.

Thực tế, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt đỉnh 10 năm chủ yếu nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao tăng mạnh, chiếm khoảng 50%, với giá dao động từ 600 - 1.000 USD/tấn. Tất nhiên, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và gạo 25% tấm cũng tăng, trung bình đạt khoảng 450 USD/tấn và 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ.

Giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do nhu cầu dự trữ lương thực ở nhiều nước gia tăng. Trong khi đó, sản lượng gạo của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn và nước này chưa có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm hay bỏ áp thuế 20% xuất khẩu gạo trắng trong năm 2023.

Kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời, mã chứng khoán LTG) cho biết, xuất khẩu gạo trong quý I/2023 tăng cả về lượng và giá, mang lại kim ngạch khoảng 20 triệu USD. Lộc Trời đang xuất khẩu gạo theo tiêu chuẩn EU với sản lượng lớn nhất Việt Nam, khoảng 90% xuất sang EU.

Lãnh đạo Lộc Trời chia sẻ, năm nay, doanh nghiệp dự kiến đạt 16.000 - 18.000 tỷ đồng doanh thu, dự kiến năm 2024 hoặc 2025 sẽ đạt con số tỷ USD. Lộc Trời hiện hoạt động trên gần như toàn bộ diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích mà Công ty đang bao phủ là 1,5 triệu ha lúa và một số loại cây khác.

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 được Lộc Trời đề ra ở mức thận trọng là 400 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 411 tỷ đồng thực hiện năm 2022. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Mirea Asset dự báo, năm nay, Lộc Trời có thể đạt 483 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với doanh thu từ mảng gạo tăng 10,9%, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 18,4% lên 18,7%.

Lộc Trời hiện có 23 công ty con và 1 công ty liên kết, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, thương mại lương thực và gạo (đóng góp 54% doanh thu năm 2022), sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (37%).

biến động giá nhóm cổ phiếu nông nghiệp

Theo bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán PAN), cơ hội đang mở ra khi cả thế giới quan tâm hơn đến an ninh lương thực. Đối tác chiến lược Syngenta cũng có kế hoạch thu mua gạo từ Vinaseed (một thành viên của PAN).

PAN là tập đoàn đa ngành, có nhiều doanh nghiệp thành viên hoạt động trong lĩnh vực gạo, giống cây trồng, thủy sản, bánh kẹo, hạt điều… Công ty đã và đang tìm kiếm đối tác sản xuất, phát triển khoa học kỹ thuật và cả đối tác tiêu thụ. Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của PAN là đạt doanh thu 15.156 tỷ đồng, tăng 11%; lợi nhuận sau thuế 840 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thực hiện năm 2022.

Với Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Trung An, mã chứng khoán TAR), năm 2023, công ty này đặt mục tiêu đạt doanh thu 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng; doanh thu tương đương mức thực hiện năm 2022, nhưng lợi nhuận tăng 33%. Năm nay, Trung An xác định sẽ phát huy thế mạnh của ngành nghề chính là kinh doanh lương thực và xuất khẩu gạo, đề ra cơ chế điều hành giá mua, giá bao tiêu và giá bán hướng tới tính bền vững và ổn định trong liên kết canh tác với nông dân.

An ninh lương thực là vấn đề đang được các nước trên thế giới quan tâm, nên nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng đảm bảo vấn đề này tăng cao, mở ra cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực. Trong bối cảnh sản lượng và giá bán đều tăng, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được cải thiện.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lúa gạo có diễn biến khả quan trong 4 tháng đầu năm 2023, giá và thanh khoản có xu hướng tăng.

Mía đường, sắn cũng khả quan

Hưởng lợi từ đà tăng của giá mía đường thế giới do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, cổ phiếu của các công ty mía đường như LSS, SLS, QNS, SBT cũng tăng giá mạnh. Trong đó, mã SLS của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đạt 172.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/4/2023, tăng hơn 40% so với đầu năm. Quý I/2023, Mía đường Sơn La ghi nhận 109 tỷ đồng lợi nhuận, gần gấp đôi cùng kỳ và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của Công ty.

Trong nước, việc áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN đã phát huy tác dụng, lượng đường nhập khẩu giảm, các doanh nghiệp mía đường cạnh tranh tốt hơn, giá bán cao hơn, đạt 18.000 - 20.000 đồng/kg.

Một cổ phiếu khác trong nhóm nông sản được nhà đầu tư quan tâm là APF của Công ty cổ phần Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (Apfco), dù kết quả kinh doanh quý I cũng như kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 đều giảm mạnh so với năm 2022.

Apfco chuyên sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol, bên cạnh sản xuất bán tại thị trường nội địa, sản phẩm của Công ty còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Năm nay, Apfco đặt mục tiêu đạt doanh thu 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 270 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.991 tỷ đồng, tăng 13%, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 44 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sắn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng Apfco đang gặp vấn đề cạnh tranh nguyên liệu gay gắt với sản phẩm sắn lát khô và các nhà máy sản xuất tinh bột sắn khác, dẫn tới giá nguyên liệu sắn tươi tăng cao, trong khi giá bán tinh bột sắn chỉ tăng nhẹ, khiến lợi nhuận sụt giảm.


Tin liên quan

Tin mới