Lý do TP HCM chưa đón được nhiều 'đại bàng' FDI

Vốn FDI vào TP HCM chững lại trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, hạ tầng chưa tốt và các địa phương khác ngày càng tỏ ra năng động hơn.

Lũy kế từ 1988 đến tháng 4/2023, TP HCM dẫn đầu cả nước với 11.668 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt hơn 56,68 tỷ USD. Số này có thể đạt gần 80,91 tỷ USD nếu cộng cả số góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên gần đây, vốn ngoại vào TP HCM có dấu hiệu chững lại. Năm ngoái, tổng giá trị FDI đạt 4,33 tỷ USD, bằng 60,29% năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm nay, thành phố nhận được 979,6 triệu USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ 2022.

Việc TP HCM chững lại sau nhiều năm luôn đi đầu về thu hút FDI, cần được "đánh giá nghiêm túc", theo nhận xét của PGS. TS Ngô Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế TP HCM.

Khu trung tâm TP HCM, quận 1, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Khu trung tâm TP HCM, quận 1, tháng 11/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Chia sẻ tại tọa đàm về chủ đề này tuần trước ở TP HCM, ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư C+, cho rằng thu hút đầu tư của thành phố trong 4 tháng qua "không tích cực".

"Khi mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, so cái họ cần với thứ mình có đã phù hợp chưa? Những yêu cầu của họ về hạ tầng cứng - mềm có bị lệch và khác so với thế mạnh mà TP HCM có thời gian qua hay không", ông Cương đặt vấn đề.

Ông Phúc Nguyễn, Luật sư chuyên hướng dẫn đầu tư của Công ty luật HM&P, cho rằng những lợi thế to lớn đang vơi dần theo thời gian. "Trước đây các nhà đầu tư rất thích TP HCM và nghĩ đến đầu tiên khi muốn rót vốn, nhưng hiện giờ họ dịch chuyển ra Bắc nhiều hơn", ông Phúc nhận xét.

Sau khi "đại bàng" Intel về làm tổ tại Khu công nghệ cao TP HCM với tổng vốn đầu tư lũy kế đến nay hơn 1,5 tỷ USD, TP HCM chỉ đón thêm một ông lớn khác là Samsung. Năm ngoái, Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD, giúp TP HCM có dự án "khủng" góp mặt trong top 5 dự án FDI lớn nhất năm cả nước.

TP HCM vẫn nằm trong top đầu thu hút tổng vốn FDI cả nước các năm qua nhưng các dự án tỷ USD có xu hướng chọn những địa phương khác. Giai đoạn 2017-2021, top 5 các dự án lớn nhất hàng năm thường phân bổ ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương hoặc vài tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trong suốt giai đoạn này, chỉ 2019 là TP HCM có 2 dự án trong top 5 nhưng giá trị rót vốn cũng chỉ 650 triệu USD (Techtronic Tools) và 300 triệu USD (Wanna Explore Travel).

Vốn FDI vào TP.HCM trong thập niên qua

Thách thức từ trong ra ngoài

TP HCM đang xây dựng đề án thu hút vốn FDI giai đoạn 2023-2025 tầm nhìn 2030, trong đó hướng tới nhà đầu tư chiến lược (rót vốn từ 30.000 tỷ đồng cho dự án thông thường hoặc từ 3.000 tỷ đồng vào dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo).

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư TP HCM, đến 2025, địa phương này kỳ vọng thu hút trên 50 dự án công nghệ cao, với ít nhất một tập đoàn công nghệ cao tên tuổi lớn, tổng vốn đầu tư ít nhất đạt 3 tỷ USD. Đồng thời, mục tiêu là tỷ lệ vốn đăng ký đầu tư của 17 nhà đầu tư trọng điểm đạt 70% tổng vốn giai đoạn 2023-2025. Nhóm này gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Nga, Anh, Mỹ.

Tham vọng không nhỏ nhưng khả năng thu hút vốn FDI của TP HCM đang gặp một số thách thức.

Tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng cuối tháng 4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM thừa nhận hạn chế của thành phố trong khả năng hút vốn FDI là hệ thống cơ sở hạ tầng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ) còn chưa đồng bộ, phát triển tương xứng với tiềm năng, nhu cầu phát triển.

Quỹ đất dành cho phát triển các khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt không tăng. Theo số liệu của Ban Quản lý các Khu chế xuất - công nghiệp TP HCM (Hepza) TP HCM được quy hoạch gần 6.000 ha đất công nghiệp nhưng có tới 1.500 ha vướng mắc về pháp lý hoặc giải phóng mặt bằng. Năm nay, Hepza chỉ được phân bổ 41 ha đất nông nghiệp để cho thuê và số đất này lại nằm rải rác trong các khu chế xuất, khu công nghiệp chứ không tập trung quy mô lớn. Do đó, chỗ nào để "đại bàng" có nơi làm tổ được cũng không đơn giản.

Ông Phúc Nguyễn bổ sung 2 nguyên nhân là các kênh thông tin đầu tư của thành phố còn kém và khó tiếp cận. Các địa phương khác dần năng động và tận tình hướng dẫn doanh nghiệp triển khai thủ tục đầu tư hơn. Thực tế, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP HCM năm nay giảm 13 bậc, xuống vị trí thứ 27.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, thu hút đầu tư những năm tới sẽ gặp thách thức vì TP HCM đang bị cạnh tranh lớn bởi nơi khác, nhất là ở yếu tố bền vững. Các tập đoàn lớn ngày càng đề cao ESG (các tiêu chí bền vững về môi trường, xã hội và quản trị) khi lựa chọn nơi đầu tư. Với hạng 49/63 tỉnh - thành, TP HCM không phải là địa phương có thành tích cao trong "Chỉ số xanh" (PGI - đánh giá địa phương thân thiện với môi trường) mà VCCI cho ra mắt hồi tháng 4.

Nói về các bất lợi bên ngoài dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết xu hướng FDI trên toàn cầu đang giảm, do biến động địa chính trị và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận G7 chốt vào tháng 6/2021, dự kiến áp dụng năm 2024. Mức thuế tối thiểu là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu hợp nhất từ 800 triệu USD trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.

"Chúng ta đang ưu đãi cho các tập đoàn lớn mức thuế thấp hơn 15%. Nếu giữ ưu đãi đó thì họ bị đánh thuế bù ở chính quốc, khiến ưu đãi mất tác dụng. Đó là bất lợi nên cần đối sách để vừa tham gia luật chơi mới vừa giữ chân họ", ông nói.

Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) cũng nhìn nhận thuế tối thiểu toàn cầu là thách thức không nhỏ. Khi không còn "quân bài tốt" là ưu đãi thuế đòi hỏi đổi chiến thuật mới để hút "đại bàng" về làm tổ.

Chiến thuật nào cho TP HCM?

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM cho rằng không thể tính đến thuế khi thu hút đầu tư mà cần cải thiện môi trường đầu tư.

Bà nêu 8 yếu tố mà các nhà đầu tư quan tâm, kèm với đánh giá về hiện trạng "mạnh - yếu" của TP HCM, gồm: ổn định chính trị (lợi thế đang có); môi trường đầu tư minh bạch - rõ ràng, chính sách dễ hiểu, ít thay đổi và dễ dự đoán (đang cải thiện); nguồn nhân lực (có khởi động tốt); hạ tầng kỹ thuật - giao thông - viễn thông (đang cải thiện); chuỗi cung ứng (cần đẩy mạnh liên kết vùng); môi trường - giáo dục - y tế (đang cải thiện).

Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng thuế tối thiểu toàn cầu là bất lợi nhưng cũng là cơ hội. Chính sách này khiến các thiên đường thuế (nơi thu hút đầu tư bằng chính sách miễn thuế) mất sức hút. Ngược lại, đó là thời cơ để TP HCM phát triển thành trung tâm tài chính, tham gia tái phân bổ dòng vốn đầu tư cho khu vực xung quanh.

Ông Ngô Nghị Cương của C+ đề xuất thu hút FDI sắp tới cần nhắm vào mục tiêu phát triển TP HCM thành trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại. "Nên mời gọi sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức trong các lĩnh vực này. Họ có quan hệ có thể giúp kêu gọi đối tác trong ngành đến đây", ông nói.

"Chúng ta tập trung vào quỹ đất khá nhiều, danh sách doanh nghiệp chờ xin vào các khu công nghiệp cũng đang dài. Nhưng thay vào đó, nên phát huy các mặt khác như thương mại điện tử, phần mềm, trung tâm tài chính, hệ thống y tế", bà Vân nói, ủng hộ ý tưởng trung tâm tài chính, bên cạnh các ngành ít tốn đất khác.

Việc mở rộng quỹ đất công nghiệp cũng là con dao hai lưỡi, theo PGS. TS Ngô Ngọc Vinh. Vì vậy, có thể chọn cách tăng chất lượng các khu công nghiệp, chấp nhận mời các đơn vị không chuyển đổi chất lượng sang những địa phương lân cận.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS) cho hay đơn vị này đang nghiên cứu thí điểm nâng cấp chất lượng 5 khu công nghiệp trên địa bàn. TP HCM cũng đang có các dự án hạ tầng liên vùng để tạo điều kiện phát triển các đô thị công nghiệp dọc trục giao thông liên vùng, giải quyết bài toán quỹ đất. Thành phố cũng đang nghiên cứu xin dùng ngân sách địa phương để đầu tư cho các dự án liên vùng nhằm đẩy nhanh tốc độ.

Ông Phạm Ngọc Quý Châu và bà Cao Thị Phi cùng quan điểm cần ưu tiên là huy động, chăm sóc những nhà đầu tư hiện hữu thay vì chỉ tập trung đón "đại bàng" mới. Thực tế, trong 4 tháng qua, nếu vốn mới rót vào chỉ 171,3 triệu USD thì vốn điều chỉnh đến 372,6 triệu USD. Tương tự, vào năm ngoái, vốn cấp mới chỉ ở mức hơn 591,63 triệu USD trong tổng vốn hơn 4 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia tư vấn đầu tư cũng cho rằng TP HCM cần cải thiện hàng loạt vấn đề khác như cơ sở hạ tầng và môi trường sống. "Thành phố có nhiều ưu điểm nhưng bất lợi về xã hội như kẹt xe, ngập lụt, ô nhiễm không khí khiến các nhà đầu tư và chuyên gia ngần ngại", ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP HCM nói.


Tin liên quan

Tin mới