MBBank: Nợ xấu gần 9 nghìn tỷ, 'bom tấn' Novaland vẫn hiện hữu

Kết thúc quý 1/2023, nợ xấu nội bảng của MBBank tăng 68% so với hồi đầu năm lên mức 8.453,3 tỷ đồng (tương đương tăng gần 3.422 tỷ đồng). MBBank hiện đang là một trong chủ nợ lớn nhất của Novaland.

Báo cáo tài chính hợp nhất (BCTC) quý 1/2023 cho thấy chất lượng nợ vay tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, HOSE: MBB) đang sụt giảm rõ rệt khi nợ xấu tại nhà băng này tăng 68% so với hồi đầu năm.

Cụ thể, tính tới ngày 31/3/2023, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của MBBank đạt mức 3.455,3 tỷ đồng, tăng 127,7% so với hồi đầu năm; Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đạt 1.622 tỷ đồng, tăng 32,8% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 47,2% đạt mức gần 3.376 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu nội bảng của MBBank đạt 8.453,3 tỷ đồng, tăng 68% (tương đương tăng gần 3.422 tỷ đồng) với hồi đầu năm; Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này tăng từ 1,09% hồi đầu năm lên mức 1,76%.

Ngoài ra, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của MBBank đang ở mức 16.675,7 tỷ đồng, tăng 113,5% so với hồi đầu năm.

Theo BCTC của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland, HoSE: NVL), MBBank đang là một trong những chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này với khoảng 7.041 tỷ đồng trái phiếu và hơn 1.750 tỷ đồng vay dài hạn.

Khoản trái phiếu hơn 7.041 tỷ đồng trái phiếu nêu trên chủ yếu là các khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu tại Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn.

Về kết quả kinh doanh, mặc dù lợi nhuận của MBBank trong quý 1/2023 tăng trưởng tương đối khả quan nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh nhưng các mảng kinh doanh khác của ngân hàng đều sụt giảm và dòng tiền âm trong 3 tháng đầu năm.

So với cùng kỳ năm ngoái, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 689,6 tỷ đồng, giảm 38,3%; Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 20,6% xuống còn 370,7 tỷ đồng; Lãi từ hoạt động khác giảm 13,2% xuống còn 467 tỷ đồng;

Giảm “sâu” nhất là hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 62,8% xuống còn 37 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 86,8% còn 135 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của MBBank giảm nhẹ 0,8%, xuống gần 3.568 tỷ đồng; Nhờ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 13% so với cùng kỳ xuống còn 1.849,6 tỷ đồng nên MBBank báo lãi sau thuế hơn 6.512,1 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu so với kế hoạch 26,100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm, MBBank đã thực hiện được gần 25% mục tiêu sau quý đầu năm.

Tính đến ngày 31/3/2023, dòng tiền của MBBank âm tới 22.160,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 8.997,2 tỷ đồng. Trong đó, dòng tiền hoạt động kinh doanh của MBBank âm 21.765,3 tỷ đồng (cùng kỳ âm 8.855,7 tỷ đồng) và dòng tiền hoạt động đầu tư âm 395,5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 141,4 tỷ đồng).

Tổng tài sản của MBBank đạt hơn 760.761,4 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2023, tăng trưởng 4,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt giảm 20,8% còn 2.965,3 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm 51,9% còn 19.077,3 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 4,5% đạt 481.386,2 tỷ đồng)…

Về nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ và NHNN ghi nhận 2.548 tỷ đồng, cao gấp 7,7 lần so với hồi đầu năm; Tiền gửi khách hàng tăng 2% lên mức 452.414,7 tỷ đồng; Phát hành giấy tờ có giá tăng 8,7% đạt mức 105.025,5 tỷ đồng.

Trong khối tài sản, MBBank hiện đang sở hữu 42.431,6 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và 3.128,2 tỷ đồng tại mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn và 3.871,8 tỷ đồng chứng khoán nợ thuộc mục chứng khoán kinh doanh của MBBank.

Về phát hành trái phiếu, hiện MBBank đang lưu hành hàng chục lô trái phiếu với tổng giá trị 25.847,5 tỷ đồng. Trong đó, trái phiếu dưới 5 năm 14.813,5 tỷ đồng và trái phiếu trên 5 năm 11.034 tỷ đồng. 


Tin mới