Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng rõ rệt

Doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng cho việc triển khai chuyển đổi số.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Xu hướng chuyển đổi kép và vai trò của công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương” do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 16/7/2024.

Ông Nguyễn Đức Trung- Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp cho biết, trong thời gian qua, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và tài nguyên môi trường đã tạo ra những thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và trên toàn thế giới.

“Để thích ứng với những yêu cầu mới này, các DN cần tiến hành chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mang tính bền vững hơn. Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh, hay còn gọi là “chuyển đổi kép” là giải pháp đối với xu thế phát triển đó, giúp DN không chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của mình”- ông Nguyễn Đức Trung nói.

Theo ông Trung, trong 3 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số chuyên sâu như: tư vấn, đào tạo, hỗ trợ công nghệ….

Với sự quyết tâm của các cán bộ thực hiện chương trình, đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới sự chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.

Năm 2023 đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt trong mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số với mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số ở tất cả các ngành đều vượt lên trên trung bình. Các DN tham gia đánh giá có mức độ nhận thức về CĐS đạt mức Nâng cao. DN ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã và đang tích hợp mục tiêu CĐS vào chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng cho việc triển khai CĐS- Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp nêu rõ.

Trên thế giới, thuật ngữ “chuyển đổi kép” đang xoay quanh 3 trụ cột chính, bao gồm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.

Đánh giá về thực trạng CĐS tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thơ- cố vấn cấp cao tại Digiwin Software, cho biết năm 2023, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam chiếm 23,88% tổng GDP cả nước, đạt trên 2,4 triệu tỷ đồng, và thu hút hơn 23,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất, chiếm 64,2% tổng vốn FDI.

Đến tháng 6/2024, kinh tế số đã đạt mức tăng trưởng 22,4%, tương đương 18,4% GDP. Tổng doanh số bán lẻ tăng trưởng 80% so với năm 2023 và số lượng DN công nghệ số tăng 8%.

Riêng đối với Bình Dương, hiện địa phương đang sở hữu 28 khu công nghiệp, nơi tập trung các ngành công nghiệp chủ lực như chế biến chế tạo (điện tử, cơ khí, dệt may, thực phẩm), phân phối điện khí đốt và cung cấp nước, xử lý rác thải). Với 28 khu công nghiệp, Bình Dương là một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Các ngành công nghiệp chủ lực tại đây đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương.

Ngày 8/3/2024, Trung tâm CĐS Bình Dương đã được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Bình Dương, hướng đến xây dựng một đô thị thông minh vào năm 2030. Trung tâm CĐS sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Hội nghị: “Xu hướng Chuyển đổi kép và vai trò của Công nghệ trong sứ mệnh phát triển kinh tế số tỉnh Bình Dương” đã cung cấp cho đại biểu những thông tin về chính sách, hỗ trợ cụ thể từ phía Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm góc nhìn đa chiều về xu hướng chuyển đổi kép và các thông tin hữu ích để thúc đẩy hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh, hướng đến phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh .

 


Tin mới