Phân bón Cà Mau nhận giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam

Tối 30/05/2024, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ba công trình của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) vinh dự nhận giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2023. Giải thưởng đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình nỗ lực, sáng tạo và kiến tạo giá trị bền vững hơn của tập thể PVCFC.

PVCFC tự hào đóng góp 3 hạng mục trong hành trình tìm kiếm sự đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất phân bón thuộc các công trình của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lần này. Thành tựu không chỉ là niềm tự hào của đội ngũ vận hành, bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau mà còn là niềm vinh dự lớn của PVCFC và Tập đoàn.

Công trình đầu tiên của PVCFC đạt giải Ba mang tên: “Nghiên cứu quy trình rút ngắn thời gian sản xuất trong lĩnh vực công nghệ sản xuất Amoniac” của nhóm tác giả: Quản đốc xưởng Amonia Phạm Thường, Phó Giám đốc nhà máy Đạm Cà Mau Đặng Hoàng Quân và Phó ban QTNL Lê Ngọc Chính, kỹ sư Cam Minh Tuấn.

Công trình này đã áp dụng thành công và hiệu quả từ tháng 09/2020, cho đến thời điểm xét duyệt giải thưởng thì chưa có Nhà máy nào cùng công nghệ áp dụng công trình này. Trên thế giới, hiện tại chưa có Nhà máy Đạm – cùng cấu hình công nghệ của Nhà bản quyền Haldor Topsoe – nghiên cứu và áp dụng công trình này vào thực tiễn.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu, chạy mô phỏng, tính toán, tối ưu công nghệ của nhà bản quyền, từ đó đưa ra một quy trình mới giúp gia nhiệt trước xúc tác metan hóa, dừng máy, xử lý sự cố dựa trên các mô hình mô phỏng hóa các dòng công nghệ của cụm metan hóa. Từ đó giúp tiết giảm tiêu hao (khí nhiên liệu, điện, nước, Nitơ, nhân công...), giảm phát thải khí CO2, CO gây ô nhiễm môi trường ở tải 60% trong quá trình khởi động, dừng máy và sự cố do quá nhiệt.

Công trình này hoàn toàn có khả năng ứng dụng tại các Nhà máy khác với cấu hình, công nghệ và cơ cấu sản phẩm tương tự Nhà máy Đạm Cà Mau. Trong quá trình khởi động, công trình này giúp vận hành dễ dàng khống chế tốc độ gia nhiệt 50oC/h, tiết kiệm được chi phí khởi động 5 giờ cho công đoạn gia nhiệt xúc tác, rút ngắn thời gian chạy máy từ 51,5 giờ xuống còn 46,5 giờ. Từ đó, công trình góp phần tăng thêm sản lượng Urea, tăng doanh thu và nhiều lợi ích khác.

Công trình đạt giải Khuyến khích mang tên: “Nghiên cứu công nghệ phục hồi máy nén khí trục vít công nghiệp không dầu, từng bước tự chủ và giảm phụ thuộc chính sách độc quyền của nhà sản xuất”. Công trình này của nhóm tác giả: Đội trưởng đội Thiết bị vận chuyển xưởng Cơ khí Trương Phương Nam và các cộng sự: Quản đốc xưởng Cơ Khí Vũ Đức Cường, Phó Quản đốc xưởng Cơ khí Nguyễn Anh Khoa, kỹ sư Lê Thanh Trọng, kỹ sư Quách Đức Minh, kỹ sư Quách Văn Tưởng.

Công trình đưa ra được giải pháp kỹ thuật mới, làm chủ công nghệ sửa chữa phục hồi dòng sản phẩm máy nén khí công nghiệp không dầu độc quyền của nhà sản xuất máy nén Atlas Copco tại PVCFC mà từ trước đến giờ chưa đơn vị nào trong và ngoài nước thực hiện được.

Đây là tiền đề cơ sở cho việc áp dụng giải pháp thực hiện phục hồi các đầu nén còn lại trong nhà máy Đạm Cà Mau nói riêng, các đơn vị trong/ngoài ngành Dầu khí nói chung. Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu giúp cho nhà máy Đạm Cà Mau tiết kiệm về thời gian, chi phí mua sắm vật tư thay thế phục vụ cho công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ/ đột xuất các chủng loại máy nén khí trục vít không dầu. Đồng thời, công trình giúp tiết giảm chi phí mua sản phẩm vật tư dự phòng, chi phí lưu kho cho các máy nén còn lại.

Công trình đạt giải Khuyến khích thứ hai là: “Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và tối ưu hóa thời gian vận hành liên tục hệ thống tạo hạt tầng sôi nhà máy Đạm Cà Mau”. Công trình này của nhóm tác giả: Phó Quản đốc xưởng Urea Vũ Việt Văn, Chuyên gia vận hành công nghệ urea Nguyễn Tương Lai, Giám đốc nhà máy Đạm Cà Mau Nguyễn Duy Hải, Quản đốc xưởng Urea Trần Đại Nghĩa.

Nhóm tác giả đã đề xuất được giải pháp cải tạo thiết bị trao gia nhiệt khí tầng sôi E07602 trong dây chuyền công nghệ tạo hạt tầng sôi của Toyo. Thiết bị này ban đầu nhà cung cấp thiết kế sử dụng toàn LS làm nguồn gia nhiệt. Việc đánh giá đề xuất cải tạo này không chỉ là kết quả của việc nghiên cứu, tìm hiểu về các nguyên lý tối ưu trong truyền nhiệt mà còn là sự liên kết chặt chẽ vào các thiết kế và các điều kiện vận hành thực tế của Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây chính là tính toán khoa học của giải pháp.

Giải pháp này được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Với tính khoa học và ứng dụng thực tế, giải pháp này có thể áp dụng cho các Nhà máy khác có cấu hình tương tự Nhà máy Đạm Cà Mau.

Việc nghiên cứu và cải tiến đường mầm phù hợp với điều kiện vận hành thực tế tại Nhà máy Đạm Cà Mau là sự nỗ lực, quyết tâm trong nghiên cứu, sáng tạo và dám thay đổi thiết kế của nhà bản quyền, khẳng định giá trị khoa học và tính sáng tạo của đội ngũ nghiên cứu.


Tin mới