Phát triển hướng tới tiêu dùng xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Khi xu hướng tiêu dùng trên thương mại điện tử “bùng nổ” và mua sắm trực tuyến (online) ngày càng phát triển, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh sẽ là “giấy thông hành” để các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và coi tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững. Theo các chuyên gia, thị trường sản phẩm xanh tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây. Cụ thể, đối với thực phẩm, báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Riêng với sản phẩm chất tẩy rửa sinh học, báo cáo cho biết doanh số bán sản phẩm này năm 2022 tăng 15% so với năm 2021. Điều này được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Giảm thiểu rác thải nhựa từ các kênh mua sắm online

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao về thương mại điện tử của Hiệp hội cho biết tại Việt Nam, năm 2023 bán lẻ hàng hoá trực tuyến sử dụng 1,84 tỷ gói hàng hóa, trong đó khối lượng bao bì, vật liệu nhựa là 306.000 tấn.

Bên cạnh đó, phần lớn các đơn hàng đều sử dụng vật liệu chèn là mút xốp và xốp nylon bong bóng khí với tỷ lệ tương ứng là 30% và 35%. Các đơn hàng đều sử dụng vật liệu phụ trợ là băng keo nhựa.

“Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm, có thể tới năm 2030, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ gấp trên 4,7 lần hiện tại, khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800.000 tấn,” ông Hưng nhận định. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hưng, đã đến lúc cần thiết phải có các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và thương mại điện tử một cách bền vững, thân thiện môi trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, số lượng rác thải thải ra từ thương mại điện tử, mua bán hàng online tăng ít nhất gấp 5 lần so với thương mại truyền thống. Dẫn chứng thêm, ông Nguyễn Hữu Tuấn thông tin, chỉ một đơn hàng giá trị nhỏ nhất đã phải đóng gói và sử dụng các vật liệu từ carton, túi nylon, băng keo… trong khi đó, nếu mua hàng truyền thống thì có thể sử dụng túi nylon ít hơn và gần như không sử dụng băng keo, bìa carton.

Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn bảo đảm rằng hàng hóa đến tay khách hàng trong tình trạng hoàn hảo nhất. Hàng hoá thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilon, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp.

Ảnh minh họa

Đặt mục tiêu hướng tới thương mại điện tử xanh

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã ưu tiên các sản phẩm xanh nhằm nỗ lực giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon và thay vào đó là sử dụng các sản phẩm tái chế, hay những chiếc túi sử dụng nhiều lần với giá phải chăng…

Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành hệ thống Go/BigC vùng Hà Nội và miền Bắc nêu định hướng của doanh nghiệp là luôn hướng tới tiêu dùng bền vững. Đặc biệt những năm gần đây xu hướng này càng rõ rệt, cụ thể một sản phẩm thân thiện môi trường từ nguyên liệu, quy trình sản xuất đến bao bì sẽ mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc không thân thiện với môi trường cũng rõ hơn.

Dẫn chứng thêm điểm tích cực này, ông Phong thông tin, có tới 31% khách hàng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho một sản phẩm có thể hỗ trợ bảo vệ môi trường và xu hướng đó đang tăng lên nhanh những năm gần đây.

“Nhiều doanh nghiệp lớn đã bắt đầu dịch chuyển các sản phẩm bán chạy của mình từ bao bì thông thường sang bao bì thân thiện môi trường và sức tiêu thụ của các sản phẩm thân thiện môi trường đang cao hơn,” ông Phong nói.

Quan trọng hơn, theo các doanh nghiệp, để có sản phẩm xanh phải bắt đầu tư nguyên liệu xanh. Do vậy, họ đã sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Chẳng hạn, với lĩnh vực đồ uống, đại diện Công ty TNHH SX-TM Tân Quang Minh (thương hiệu Bidrico) chia sẻ, doanh nghiệp đã chú trọng tiêu chí an toàn từ nguồn nguyên liệu sản xuất đến dây chuyền sản xuất và sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Theo đó, từ nguyên liệu nông sản, rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, Organic, GlobalGAP... đến quá trình vận hành, sản xuất đều giảm chất thải; tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh; sử dụng năng lượng thân thiện môi trường.

Ở khâu cuối cùng, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải bảo đảm giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường. Ở lĩnh vực thực phẩm, ông Bùi Quốc Hùng, Giám đốc kinh doanh kênh siêu thị Công ty CP Pan - chuyên phân phối sản phẩm bánh kẹo Bibica, cho biết, công ty này đã xanh hóa sản xuất bằng cách ưu tiên chọn những đối tác quan tâm đến bao bì giấy, bao bì có thể tự phân hủy, nguyên liệu xanh, sạch… để đưa ra thị trường những sản phẩm “chuẩn xanh”.

Trong khi đó, với ngành hóa mỹ phẩm, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc marketing và phát triển thị trường Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn (SCC) cho biết, xu hướng người tiêu dùng đang chuyển hướng sang sử dụng những sản phẩm gần với thiên nhiên, chăm sóc cơ thể nhiều hơn.

Thực tế, việc tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Người tiêu dùng nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực đối với bảo vệ môi trường.

Liên quan tới lĩnh vực thương mại điện tử, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, khi tiêu dùng xanh trở thành xu hướng, thương mại điện tử cũng bắt buộc phải chuyển mình, hướng tới nền thương mại điện tử xanh.

Để giảm tác động ảnh hưởng của thương mại điện tử đối với môi trường, bà Lại Việt Anh đề xuất khâu bán hàng cần sử dụng phương tiện giao hàng thân thiện với môi trường; Xây dựng logistics thông minh, tối ưu hóa vận chuyển và giao hàng. Bên cạnh đó, khâu đóng gói cần khuyến khích sử dụng bao bì tái chế, đồng thời giảm số lượng bao bì đóng gói tại các khâu. Các nhà bán lẻ cần có những giải pháp thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới giao hàng xanh.


Tin mới