Phát triển KKT ven biển miền Trung: Dàn trải, thiếu đột phá

Giới khoa học, nhà quản lý nhận định các khu kinh tế ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, dàn trải, thiếu liên kết và thiếu đột phá.

Thiếu nhạc trưởng

PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Trưởng Ban quản lý khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định). Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36/N-TW về phát triển bền vững kinh tế biển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế ven biển là động lực cho sự phát triển của cả vùng.

Phát triển KKT ven biển miền Trung: Dàn trải, thiếu đột phá

Tuy nhiên, phát triển kinh tế biển ở khu vực này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tiềm năng phát triển lớn nhưng quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ; các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch; đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu và nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau.

TS Hoàng Thị Hoài Hương, Trường Đại học Quy Nhơn, cho hay sau khoảng 2 thập kỷ phát triển khu kinh tế ven biển, kinh tế nhiều địa phương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhờ sự đóng góp của các khu kinh tế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng, kinh tế biển và sự phát triển của các khu kinh tế ven biển chưa tương xứng với tiềm năng, nguyên nhân chủ yếu do thể chế đối với các khu kinh tế biển chưa hoàn thiện, còn nhiều hạn chế. “Điều này đặt ra yêu cầu đối với hệ thống quản lý nhà nước trong giai đoạn tiếp theo cần tập trung khắc phục các hạn chế này, để tận dụng tối đa lợi thế của quốc gia biển, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh phát triển kinh tế biển”, TS. Hương nói.

PGS.TS Bùi Quang Bình, Đại học Kinh tế - Trường Đại học Đà Nẵng, cũng cho hay cơ chế chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển dường như thiếu đột phá và chưa đủ mạnh theo yêu cầu phát triển, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương và kéo theo tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương.

Bên cạnh đó, liên kết phát triển giữa các địa phương có khu kinh tế ven biển rất hạn chế; thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển đồng thời thiếu đi nhạc trưởng chỉ huy chung thực hiện. Cơ sở hạ tầng ven biển tại các khu kinh tế ven biển được đầu tư phát triển tương đối nhiều nhưng dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Sự phát triển của các khu kinh tế ven biển vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra, hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, cùng chung nhận định các khu kinh tế phát triển rất dàn trải. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đối với một khu kinh tế còn chồng chéo, chưa có sự rõ ràng.

Giải pháp nào cho các khu kinh tế ven biển?

 

Giải pháp nào cho các khu kinh tế ven biển?

Hiến kế để phát triển khu kinh tế ven biển, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng các địa phương cần phát triển các khu kinh tế này; trong đó Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi)… phải trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây và Bắc – Nam với các nước ASEAN, Bắc Á…

Các khu kinh tế ven biển nêu trên phải tạo ra được nhu cầu phát triển cho toàn bộ địa phương miền Trung, khu vực Tây Nguyên, cho các nước Lào, Campuchia, Thái Lan… về thông thương hàng hóa, phát triển kinh tế biển. Điều này sẽ bảo đảm cho các khoản đầu tư của nhà nước vào khu kinh tế ven biển đạt hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí, dàn trải. Ngoài ra, các khu kinh tế ven biển phải thực sự là “cửa vào” cho hàng hóa và dịch vụ, không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực ASEAN và thế giới, có thế mạnh trong việc kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư với khu vực và thế giới.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, các khu kinh tế ven biển muốn phát triển còn cần khát vọng và sự nỗ lực bền bỉ của lãnh đạo các địa phương. Trong tổng số 11 khu kinh tế ven biển ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 4 khu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi)… có sự phát triển nổi trội nhất. Những nơi này ngoài những yếu tố lợi thế nổi trội thì khát vọng phát triển của lãnh đạo là yếu tố quyết định.

“Khu kinh tế mở Chu Lai là ví dụ. Từ vùng đất cát hoang vắng 25 năm trước, lãnh đạo và nhân dân Quảng Nam tập trung mọi nỗ lực và khả năng của mình, sự đồng lòng của doanh nghiệp trong đó đặc biệt là Công ty Trường Hải đã biến từ “0” thành khu kinh tế ven biển bậc nhất ở Việt Nam. Đây là tổ hợp – cụm ngành phát triển cốt lõi với công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm logistics gắn với cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, dệt may và điện khí và hóa dầu”, PGS.TS Bùi Quang Bình phân tích.

TS Hoàng Thị Hoài Hương cho rằng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách chung cho khu kinh tế ven biển để các khu phát triển theo đúng định hướng chiến lược, phù hợp với đặc điểm lợi thế, theo định hướng phát triển của địa phương và theo định hướng chung của quốc gia nhằm chủ động khai thác triệt để những lợi thế đó; đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, có định hướng theo ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương; ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần gắn sự phát triển của khu kinh tế với các vùng đô thị ven biển và không có biển, tạo thành các chuỗi đô thị gắn bó với các cảng nước sâu và khu kinh tế. Điều này có thể thực hiện thông qua việc tạo ra những nhu cầu nội vùng, xây dựng mối quan hệ với kinh tế nội vùng và khu kinh tế. Đặc biệt, việc xây dựng các khu kinh tế mới phải có sự tương hợp với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và sân bay.

“Sự điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Nhơn Hội và khu kinh tế Chu Lai cho thấy việc điều chỉnh chức năng các khu kinh tế theo hướng hình thành các khu kinh tế đa ngành, với trọng tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, thủy sản đã tạo thành các cực phát triển của vùng, trở thành đầu mối giao thông trong nước và quốc tế”, TS Hương nói.


Tin liên quan

Tin mới