Sữa bột gắn mác 'xách tay' bán trên mạng xã hội, tràn về nông thôn chất lượng khó đảm bảo

Hiện nay loại sữa bột được gắn mác 'xách tay' đang được bán tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt còn tràn về các vùng nông thôn rất khó kiểm chứng nguồn gốc, phân biệt thật giả.

Sữa bột gắn mác 'xách tay' bán tràn lan trên mạng xã hội, đại lý bán lẻ khó xác định nguồn gốc, chất lượng

Việc khó xác định nguồn gốc và chất lượng các sản phẩm sữa rao bán trôi nổi trên mạng xã hội hay các nền tảng thương mại điện tử khiến nhiều người tiêu dùng thời gian gần đây chuyển hướng sang mua ở các cửa hàng, đại lý lớn.

Chị Hoàng Lê Huyền (27 tuổi, sinh sống tại Thái Nguyên) cho biết, do công việc bận rộn, trước đây vợ chồng chị không có nhiều thời gian đi tới các cửa hàng để chọn mua đồ cho con. Vì thế, việc mua sữa bột hay các sản phẩm chăm sóc trẻ phần lớn đều dựa vào khâu mua hàng online hoặc nhờ ông bà mua hộ.

Tuy nhiên, chị Huyền chia sẻ, do rất khó kiểm chứng nguồn gốc, phân biệt thật giả và cũng nhiều lần suýt mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do đó, gần đây chị không còn mua sữa bột online trên mạng nữa mà thường đặt từ cửa hàng đại lý lớn.

 Sữa bột gắn mác 'xách tay' bán tràn lan khó kiểm soát về chất lượng. Ảnh: Lao động
 Sữa bột gắn mác 'xách tay' bán tràn lan khó kiểm soát về chất lượng. Ảnh: Lao động

Đây không phải là vấn đề hiếm gặp với các mẹ bỉm sữa và những gia đình có con nhỏ. Dạo một vòng qua Facebook Marketplace, nơi Facebook cho phép người dùng đăng bán đồ tự do, hay các hội nhóm trên Zalo cũng như các diễn đàn nổi tiếng, không khó để bắt gặp một số tài khoản đang rao bán các loại sữa bột, sữa cho trẻ em, người già hay người bệnh.

Hầu hết các bài đăng đều quảng cáo đây là sản phẩm “xách tay” của các hãng sữa nổi tiếng như Abbott, Similac từ Mỹ hay Australia và bán với nhiều mức giá khác nhau, trong đó có những sản phẩm khá “hot” và được ưa dùng tại thị trường Việt Nam như sữa bột Ensure Gold.

Lợi dụng tâm lý mê hàng ngoại nhập của một số người tiêu dùng, lượng sữa giả trên thị trường đang ngày càng gia tăng. Không chỉ sử dụng mác “sữa ngoại” để bán hàng giả, nhiều người thậm chí còn tiếp cận những gia đình có con nhỏ với mục đích mua lại những vỏ hộp sữa bột đã qua sử dụng với giá cao, sau đó mang về và đóng gói lại rồi đem bán. Do vậy, việc phân biệt các loại sữa giả trở nên rất khó khăn và rất được quan tâm trên mạng khi có rất nhiều trang web, diễn đàn đã đăng bài hướng dẫn cách phân biệt sữa giả và sữa thật.

Sữa nhái nhãn hiệu tràn về nông thôn

Bà Vũ Thị Hồng Yến - Luật sư Chủ điều hành - Giám đốc Công ty Luật TNHH Rouse Việt Nam, người đại diện Sở hữu công nghiệp của hãng sữa Abbott tại Việt Nam cho biết, qua xác minh, khảo sát thực tế tại thị trường trong nước, hãng phát hiện hơn 700 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm.

Bao bì hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sử dụng dấu hiệu khó phân biệt đối với nhãn hiệu của Abbott về cả hình thức, phát âm và font chữ hoặc màu sắc. Ngoài ra có khoảng 100 doanh nghiệp đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm xâm phạm quyền của của doanh nghiệp này tại Việt Nam với các hình thức xâm phạm rất tinh vi, chuyên nghiệp.

Đáng chú ý, thay vì các thành phố lớn, hiện nay, các sản phẩm bị xâm phạm thường được những kẻ làm giả đưa về tiêu thụ tại khu vực nông thôn, các tỉnh, thành phố nhỏ. Tại đây, chúng thường bán tại các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ hoặc bán hàng thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, icheck.vn.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình cho hay, chỉ tính từ năm 2018 đến năm 2022, lực lượng này đã kiểm tra, xử lý 119.497 hộp, trên 10.000 chai/lon, 2.035 thùng, sản phẩm sữa các loại cho người lớn và trẻ em, trong đó có các sản phẩm mang nhãn hiệu của Abbott như Ensure, Pediasure, Similac.

“Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng uy tín thương hiệu của hãng nhằm trục lợi, nhập lậu các sản phẩm từ nước ngoài dưới hình thức hàng xách tay để kinh doanh tại thị trường Việt Nam”.

Ông Bình cho biết thêm một số đối tượng sản xuất đã thu mua các vỏ hộp sữa bằng kim loại cũng như bằng giấy đã qua sử dụng về để vệ sịnh lại, sau đó đóng gói các sản phẩm sữa bột cũng như sữa nước giả sản phẩm của nhãn hàng uy tín để bán ra ngoài thị trường. Do vậy, về mặt cảm quan ban đầu là rất khó phát hiện.

Thực tế tình trạng sữa xách tay không rõ nguồn gốc đã tồn tại từ lâu tại Việt Nam, một phần do tính "sính ngoại" cho rằng sữa ở nước ngoài "xịn" hơn, bổ dưỡng hơn sữa nội.

Ngay từ năm 2016, Công ty Meiji Nhật Bản đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam, cảnh báo sữa Meiji có nguồn gốc từ Nhật Bản đang bán trên thị trường Việt Nam không đạt chuẩn và có nguy cơ là hàng giả.

Trong thời gian tới, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình đề nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường phối hợp với lực lượng QLTT trong việc hỗ trợ đào tạo, tập huấn về việc phân biệt hàng thật - hàng vi phạm các sản phẩm, thương hiệu. Đồng thời doanh nghiệp cần tăng cường theo dõi, giám sát thị trường, cung cấp thông tin cho lực lượng QLTT để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về phía lực lượng QLTT, Phó Tổng Cục trưởng khẳng định, lực lượng QLTT cả nước sẽ tiếp tục tập trung và xử lý dứt điểm các tụ điểm, địa bàn vi phạm nổi cộm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; giao trách nhiệm quản lý địa bàn đến từng vị trí công chức, lãnh đạo để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 7979:2018 về Sữa bột và cream bột

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại sữa bột và cream bột để sử dụng trực tiếp hoặc chế biến tiếp theo, phù hợp với mô tả trong Điều 2 của tiêu chuẩn này.

Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân theo các mức tối đa về các chất nhiễm bẩn được quy định trong TCVN 4832:2015 Tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Khi sữa được đùng trong chế biến các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này, phải tuân thủ các mức tối đa về chất nhiễm bẩn và độc tố được quy định trong TCVN 4832:2015 Tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi và các giới hạn tối đa về dư lượng thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật đối với sữa theo quy định hiện hành.

Quy định vê vệ sinh: Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này nên được chuẩn bị về xử lý theo các điều tương ứng của TCVN 5603 (CAC/RCP 1-1969) Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm, TCVN 11682 (CAC/RCP 57-2004) Quy phạm thực hành vệ sinh đối với sữa và sản phẩm sữa và các tiêu chuẩn liên quan khác như quy phạm thực hành vệ sinh và các quy phạm thực hành.

Các sản phẩm này cần tuân thủ các tiêu chí vi sinh vật được thiết lập theo TCVN 9632:2016 (CAC/GL 21-1997) Nguyên tắc thiết lập và áp dụng các tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm.

Quy định về ghi nhãn: Ngoài các điều quy định trong TCVN 7087 (CODEX STAN 1-1985) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn và CODEX STAN 206-1999 General standard for the Use of Dairy Terms (Tiêu chuẩn chung về việc sử dụng các thuật ngữ về sữa), còn áp dụng các điều cụ thể sau đây:

Ghi nhãn bao bì không dùng để bán lẻ: Thông tin yêu cầu trong Điều 7 của tiêu chuẩn này và Điều 4.1 đến Điều 4.8 của TCVN 7087 (CODEX STAN 1-1985) và nếu cần thì hướng dẫn bảo quản cũng phải ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo, ngoại trừ tên của sản phẩm, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói được ghi trên bao bì. Tuy nhiên, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói có thể thay bằng ký hiệu nhận dạng, với điều kiện là ký hiệu đó có thể nhận biết rõ ràng cùng với các tài liệu kèm theo.


Tin liên quan

Tin mới