Thái Nguyên tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè

Để nâng cao chất lượng, giá trị và tăng sức cạnh tranh sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường cần đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách nghiêm túc, bài bản.

Việc phát triển bền vững cây chè, thương hiệu sản phẩm chè còn nhiều vướng mắc

Sở hữu trí tuệ không còn là vấn đề mới trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay. Đặc biệt, với ngành nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng, sở hữu trí tuệ đã khẳng định là giải pháp bảo hộ sự phát triển và giá trị thương hiệu bền vững.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thái Nguyên để tăng năng suất và chất lượng, nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên đã đẩy mạnh trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Bình quân mỗi năm, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 500 ha chè, tỷ lệ giống mới đạt 18.376 ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh.

Để phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên không ngừng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè.
Để phát triển bền vững tỉnh Thái Nguyên không ngừng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chè.

Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn VietGAP, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững… Qua đó, nâng cao giá trị, uy tín, sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chè từ 1,5- 2 lần so với trước khi được bảo hộ, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người trồng chè, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sản phẩm chè Thái Nguyên.

Nhờ đó đến nay, Thái Nguyên là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước, với trên 22,2 nghìn ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm đạt 20,9 nghìn ha. Sản lượng chè búp tươi đạt trên 260 nghìn tấn, giá bán chè Thái Nguyên luôn ở mức cao hơn các vùng chè khác trong cả nước. Năm 2022, giá trị sản phẩm chè qua chế biến đạt trên 10.400 tỷ đồng. Cây chè ngày càng khẳng định được vị thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng làm giàu cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Thái Nguyên.

Tiềm năng và lợi thế là vậy song việc phát triển bền vững cây chè, thương hiệu sản phẩm chè của Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Quốc Chính - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên – cho biết, hiện nay lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia sản xuất chè giảm; quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu là quy mô hộ, mặc dù đã phát triển thêm nhiều hợp tác xã, nhưng chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ; thị trường nội tiêu là chủ yếu, khối lượng và giá trị xuất khẩu thấp; công tác quản lý chất lượng, truy suất nguồn gốc, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu chè Thái Nguyên chưa được quan tâm đúng mức.... Điều này dẫn đến tình trạng một số thương hiệu chè Thái Nguyên bị làm giả, làm nhái trong thời gian vừa qua.

Một số cơ sở chưa thực sự quan tâm đến việc duy trì nguồn nguyên liệu, mẫu mã bao bì chưa phong phú, chưa bắt mắt và chưa thực sự quan tâm đến sở hữu trí tuệ, chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, HTX quy mô còn nhỏ lẻ; một số sản phẩm thô, chưa chế biến tinh, mang tính tự phát, sức cạnh tranh còn yếu, năng lực quản trị chưa cao.

Đầu tư hơn nữa cho sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm chè

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn biến mạnh mẽ nên tất cả các sản phẩm phải có thông tin rõ ràng, minh bạch đến từng hộ gia đình. Khi sản phẩm có thông tin rõ ràng, minh bạch thì người tiêu dùng thông minh có thể quét mã QR truy xuất nguồn gốc các sản phẩm và người tiêu dùng họ có quyền từ chối những sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc. Thêm vào đó là rào cản về nhận thức, hành động đối với việc bảo hộ quyền của các tổ chức, cá nhân hiện nay phần nào làm hạn chế phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên.

Vì vậy cần chú trọng hơn nữa cơ chế, chính sách, đầu tư hơn nữa cho sở hữu trí tuệ đối với chè và xem xét đưa các sản phẩm OCOP vào Dự án phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022- 2030 để hỗ trợ người trồng, chế biến chè. Tỉnh cũng cần xây dựng bộ nhận diện chè Thái Nguyên bằng công nghệ số để độc quyền cấp cho người dân nhằm truy xuất nguồn gốc, xác nhận chính xác sản phẩm khi tiêu thụ trên thị trường, tránh hàng giả, hàng nhái… gây ảnh hưởng tới thương hiệu chè Thái Nguyên, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Để đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm nói chung và sản phẩm chè Thái Nguyên nói riêng, ông Phạm Quốc Chính cho hay: Thời gian tới, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu cơ chế chính sách riêng cho sản phẩm chè nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm chè của Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phổ biến chính sách của nhà nước về phát triển thương hiệu, tổ chức tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tại cơ sở giúp các hộ gia đình, làng nghề nhằm tăng cường nâng cao nhận thức về giá trị, để sản phẩm có chỗ đứng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra nhãn hiệu, kiểm soát chất lượng sản phẩm để phù hợp với chất lượng khi đăng ký bảo hộ đối với tổ chức, cá nhân.

Bản thân các chủ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể của các sản phẩm tự nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm của mình để thương hiệu bay cao, bay xa, có giá trị và đem lại sức cạnh tranh trên thị trường...


Tin liên quan

Tin mới