Thanh Hoá: Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư

Thanh Hóa đang đẩy mạnh xây dựng hình ảnh của một thành phố du lịch văn minh, nhưng đằng sau đó vẫn còn hàng nghìn hộ dân đang sống lay lắt tại các khu tái định cư.

Vài năm trở lại đây, diện mạo đô thị du lịch Sầm Sơn đã có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực. Để thực hiện được những kết quả trên, hàng nghìn gia đình đã nhường nhà, nhường đất, bàn giao mặt bằng sạch để chuyển tới nơi ở tái định cư, nhưng điều đáng nói là tại nơi ở mới hạ tầng chưa hoàn thiện khiến cho người dân đối diện với nhiều áp lực, đời sống chưa được ổn định.

Người dân chấp hành chủ trương, chuyển đến nơi tái định cư

Được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp của Việt Nam, sau hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển, Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã có sự đổi thay và phát triển mạnh mẽ về diện mạo và hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch.

Để xây dựng Sầm Sơn sớm trở thành thành phố du lịch đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, Sầm Sơn đã phối hợp với các đơn vị tư vấn có uy tín và năng lực thực hiện nhiều dự án quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch chung xây dựng TP. Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn năm 2040; dự án quảng trường biển Sầm Sơn, các khu đô thị đẳng cấp quốc tế...

Trong đó, không ít dự án được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đã và đang làm thay đổi bộ mặt đô thị Sầm Sơn theo hướng hiện đại, chất lượng cao, tạo thế và lực cho thành phố phát triển nhanh, bền vững. Ngoài việc quy hoạch, xây dựng và đổi mới diện mạo, TP. Sầm Sơn chú trọng đến chất lượng du lịch để hướng tới một thành phố du lịch thông minh, thân thiện.

Thanh Hoá: Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư
Sau gần nhiều năm xây dựng, dự án khu dân cư tái định cư ở Sầm Sơn vẫn chưa thể hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. 

Trong 7 năm trở lại đây (2016 - 2023) nhiều dự án giao thông quan trọng đã hoàn thành như: Quốc lộ 47; Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn l; đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa (tiểu dự án 4: Đoạn từ Đại lộ Nam sông Mã, Sầm Sơn đến Cầu Ghép, Quảng Xương); cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương, nâng cấp cải tạo đường Thanh Niên...

Việc thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng đô thị được triển khai như: Dự án FLC Sầm Sơn golf links và Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn, với tổng diện tích khoảng 200ha và tổng mức đầu tư trên 12.000 tỷ đồng; Khu đô thị sinh thái hai bờ sông Đơ (HUD4) diện tích 68ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, Dự án Quảng trường biển, Khu đô thị và dịch vụ thương mại Văn Phú Invest... 

Để thực hiện quy hoạch chung, TP. Sầm Sơn giao đất cho Dự án Khu du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn vào đầu tháng 11/2016, đồng thời phê duyệt Dự án Khu dân cư và tái định cư Cường Thịnh 3 tại phường Quảng Cư, TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) nhằm di dời 140 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng bởi dự án của FLC ra tái định cư. Dự án có quy mô 2,3ha, tổng mức đầu tư là 37.222 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là từ tháng 11/2016 đến 2017.

Tiếp đến, để thực hiện dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn chạy qua TP. Sầm Sơn, tháng 2/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường giao thông nối TP. Sầm Sơn với Khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.479 tỷ đồng này nằm trong tổng thể dự án đường bộ ven biển Việt Nam. Theo thống kê của UBND TP. Sầm Sơn, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP. Sầm Sơn dài hơn 7,5km đi qua 5 xã, phường với tổng diện tích phải thu hồi thực hiện dự án khoảng 45,64 ha với 1.447 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, 561 hộ với diện tích đất ở phải thu hồi là 9,71 ha. 

Dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn và các dự án đối ứng được triển khai trên tổng diện tích hơn 400ha. Với tổng vốn đầu tư lên tới gần 25.000 tỷ đồng, dự án được khởi công vào tháng 4/2021. Dự án có 5 phường ảnh hưởng bởi dự án Quảng trường biển và các dự án đối ứng, bao gồm: Quảng Tiến, Quảng Châu, Trung Sơn, Bắc Sơn và Trường Sơn. Để triển khai toàn bộ các hạng mục của dự án này, TP. Sầm Sơn phải giải phóng mặt bằng 400,11ha đất với 7.481 hộ dân, trong đó, đất ở 41,04ha (1.985 hộ); đất nông nghiệp và đất khác 359,07ha (5.496 hộ); di chuyển 3 nhà văn hóa khu phố; 2 bến thuyền với khoảng 300 phương tiện đánh bắt thuộc phường Trung Sơn và phường Quảng Châu; 1 bãi rác Trung Sơn (270.000m3); 4 nghĩa địa (5.000 mộ) và hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.

Để thực hiện các dự án trên, thành phố đang triển khai khoảng 20 khu tái định cư với quy mô diện tích khoảng 150ha (tương ứng khoảng 8.000 lô đất ở) để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang, sắp xếp lại đô thị... Hiện các dự án trên đã thực hiện xây dựng mới 12 khu tái định cư để bố trí chỗ ở mới cho các hộ dân đã nhường đất để triển khai các công trình.

Ngoài các dự án tái định cư được kể trên, hiện TP. Sầm Sơn đang triển khai hàng chục dự án tái định cư khác ở các phường, xã như: Khu tái định cư tại xã Quảng Minh, xã Quảng Hùng, Quảng Đại và phường Quảng Vinh…

Theo định hướng đến năm 2030, xây dựng và phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, thành phố tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội gắn với phát triển thành phố thông minh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa vào khai thác các dự án đô thị lớn, trọng điểm, như Quảng trường biển và Trục cảnh quan lễ hội, Khu đô thị sinh thái biển Đông Á, Khu đô thị du lịch ven sông Mã, Khu trung tâm hành chính mới… Tiếp tục phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống giao thông, nhất là các dự án giao thông kết nối vùng, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị và các dự án phục vụ du lịch.

Đó là những hướng phát triển rất đáng mừng, nhưng liệu rằng TP. Sầm Sơn có đồng thời hoàn thiện được kết nối hạ tầng và những nhu cầu chính đáng của người dân tại các khu tái định cư hay không?

Thanh Hoá: Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư
Thiếu kết nối hạ tầng giao thông, thiếu điện, nước sạch... là thực trạng chung đang xảy ra tại nhiều khu tái định cư tại TP. Sầm Sơn. 

Nhiều dự án tái định cư mới… nhưng thiếu đủ thứ

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn T. một hộ dân nhận đất tái định cư do bị ảnh hưởng bởi dự án đường Ngã Ba Voi - Sầm Sơn cho biết, nhiều hộ dân như gia đình ông đã rời nơi sinh sống ổn định tới nơi mới, nhưng suốt 1 năm nay hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện, thiếu điện nước, trời mưa thì ngập nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

"Nhận quyết định di dời để thành phố thực hiện dự án đường Ngã Ba Voi đi Sầm Sơn gia đình tôi vô cùng ủng hộ. Tuy nhiên, sau khi nhận quyết định và nhận đất tái định cư, gia đình chúng tôi lại vô cùng bức xúc do cơ sở hạ tầng tại mặt bằng tái định cư này chưa được hoàn thiện, sau khi nhận đất được gần 1 năm nhưng đến nay mặt bằng này vẫn không có điện, nước, đường giao thông chưa được xây dựng, tuyến đường chính vào thì lầy lội, không những vậy mặt bằng lại bị trũng, thấp hơn trục đường liên xã tới hơn 1m, trận mưa lớn vừa rồi, cả mặt bằng chìm trong nước sâu tới hơn 50cm nên gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác trong thôn không dám đến xây nhà", ông T. cho biết.

Thanh Hoá: Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư
Đường dân sinh làm quá chậm, mặt bằng trũng thấp, thiếu điện, nước khiến người dân vô cùng bức xúc khi đến ở tại khu tái định cư xã Quảng Minh, TP. Sầm Sơn.

Trên thực tế, việc thu hồi đất dẫn đến việc người dân phải thay đổi môi trường sống cũng như sinh kế, tuy nhiên việc bố trí đất tái định cư nhưng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu như điện, nước lại chưa đảm bảo là chưa phù hợp với chỉ đạo của tỉnh là đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Trực tiếp khảo sát thực địa tại các dự án tái định cư trên địa bàn TP. Sầm Sơn như: Châu Chính, Châu Thành (phường Quảng Châu); Vĩnh Thành, Bắc Kỳ, Xuân Phú (phường Trung Sơn); khu dân cư dịch vụ công cộng phường Bắc Sơn; Trung Tiến 2 (phường Quảng Tiến), khu tái định cư xã Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại… cho thấy đa số các khu tái định cư này thường ở vùng ven, xa trung tâm hoặc xa khu dân cư, kết nối giao thông chưa đồng bộ khiến người dân khi đến ở bị tách xa địa bàn mưu sinh.

Bên cạnh đó, không những các khu tái định cư này thiếu hạ tầng kỹ thuật như điện, nước, đường giao thông mà hạ tầng xã hội như chợ, trường học, nhà văn hóa cũng chưa được thành phố quan tâm, đầu tư xây dựng. Nhiều dự án tiến độ thực hiện còn chậm như: Dự án tái định cư Bắc kỳ (phường Trung Sơn), Châu Chính, Châu Thành (phường Quảng Châu), Trung Tiến 2 (phường Quảng Tiến)… khiến người dân chưa thể đến sinh sống ổn định bởi thiết kế mặt bằng nảy sinh nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống chưa đảm bảo.

Thanh Hoá: Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư
Cơ sở hạ tầng của dự án chưa được hoàn thiện, thiếu nước sinh hoạt, người dân còn phải tự kéo điện về dùng, đường giao thông chưa được kết nối khiến. 

Đứng tại lô đất của gia đình tái định cư thuộc dự án Khu dân cư và tái định cư tại khu phố Châu Thành (phường Quảng Châu), ông Lê Viết Nam không giấu được sự thất vọng. Sau 2 năm nhận quyết định di dời, nhường phần đất ông cha lại cho dự án đô thị, ông vẫn chưa thể xây dựng được căn nhà kiên cố cho mình như dự kiến, vì mặt bằng tại khu tái định cư cho gia đình ông cùng hàng trăm hộ dân khác trong thôn chưa được chủ đầu tư hoàn thiện.

Ông Nam cho biết, theo quy định "đất đổi đất", gia đình ông được nhận 3 suất đất tại mặt bằng tái định cư. Ngay sau khi nhận đất tại nơi ở mới, ông đã định tiến hành xây nhà mới, tuy nhiên do cơ sở hạ tầng của dự án chưa được hoàn thiện, không có điện, nước, đường giao thông chưa được kết nối nên gia đình ông cùng nhiều hộ dân khác trong thôn đành bám víu vào nơi ở cũ (hoặc đi thuê nhà ở tạm).

Ông Nam cho biết thêm: "Đáng lẽ ra chúng tôi đã làm nhà từ vài năm trước rồi, nhưng do không có điện, nước và do mặt bằng còn phải san lấp, nên đành phải chờ chủ đầu tư hoàn thiện. Hiện tại trong khu phố cũng đã có khoảng hơn chục hộ do không chịu được chật chội nên chấp nhận ra đây tự khắc phục khó khăn như sống chung với cảnh đường đi xuống cấp, bụi bẩn, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo, ngập úng cục bộ. Ngay cả những nhu cầu thiết yếu như nước sạch, điện sinh hoạt hàng ngày, người dân cũng phải tự kéo để sử dụng, chưa kể nhiều khu vực đường giao nội bộ, vỉa hè, các họng kết nối còn thi công dang dở, ngổn ngang gây mất an toàn, mỹ quan".

Thanh Hoá Dân đồng thuận tái định cư, nhưng chưa được an cư
Đa số các mặt bằng tái định cư ở Sầm Sơn đều rơi vào cảnh chậm tiến độ, thiếu đồng bộ.

Mới đây, qua báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Sầm Sơn cho thấy, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án tái định cư trên địa bàn thành phố luôn được TP. Sầm Sơn xác định là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, liên quan đến đời sống an sinh của người dân có đất bị thu hồi thực hiện các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài những vấn đề bất cập về hạ tầng giao thông, thiếu nước sạch và thiếu điện nước... thì còn hàng loạt các bất cập khác như: Thời hạn giao đất tái định cư còn chậm, nhiều hộ gia đình bị thu hồi đất đã 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa được nhận bàn giao đất tái định cư để ổn định cuộc sống...

Ông Hoàng Văn Xương, xã Quảng Đại (TP. Sầm Sơn) bức xúc: "Gia đình tôi bị thu hồi hơn 500m2 đất ở và được bồi thường 4 lô đất tái định cư từ năm 2020. Thế nhưng, sau 3 năm bị thu hồi đất thì đến nay, gia đình vẫn chưa nhận được bất kỳ lô đất tái định cư nào khiến cho cuộc sống gia đình bị đảo lộn hoàn toàn. Không những gia đình tôi gặp tình trạng trên mà rất nhiều hộ gia đình khác ở địa phương cũng rơi vào tình trạng trên. Chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sớm hoàn thành khu tái định cư mới và giao đất cho chúng tôi để ổn định cuộc sống".

Việc thu hồi đất và tái định cư cho những hộ gia đình ở TP. Sầm Sơn đến khu ở mới hiện đang bộc lộ rất nhiều bất cập tại khoản 2 Điều 97 Dự thảo quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.


Tin liên quan

Tin mới