Thị trường chứng khoán với xu hướng đón dòng tiền trở lại

Tuần qua, bên cạnh sự cải thiện của dòng tiền, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận những thông tin hỗ trợ có tác động tích cực tới triển vọng thị trường.

Giới phân tích nhận định, các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước chưa cho thấy hiệu quả thực tế, nhưng thị trường có thể sẽ phản ứng tích cực trước khi những chuyển biến vĩ mô thực sự diễn ra.

Câu chuyện dòng tiền trở lại

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), thị trường có một tuần diễn biến tích cực hơn kỳ vọng nhờ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu quay trở lại thị trường sau khi đã rút ra vào giai đoạn cuối tháng 4 vừa qua trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Điều này được thấy rõ khi thanh khoản của thị trường tăng 14% trong tuần giao dịch vừa qua.

Số liệu lạm phát tháng 4 của Mỹ vừa được công bố trong tuần qua duy trì xu hướng giảm và thấp hơn dự báo trước đó của thị trường, điều này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp sắp tới vào tháng 6.

Trong nước, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang xem xét khả năng giảm tiếp lãi suất điều hành trong thời gian tới để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cũng đang đẩy nhanh quá trình soạn thảo nhằm sớm phê chuẩn Quy hoạch điện VIII cũng như chuẩn bị trình Quốc hội xem xét và phê chuẩn Nghị quyết về giảm thuế VAT 2% trong cuộc họp sắp tới.

Những thông tin này đã có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư và kích hoạt dòng tiền đang đứng ngoài thị trường quay trở lại. Với những tín hiệu tích cực đó, VNDIRECT cho rằng, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường đã được xác lập.

Do đó, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-Index kiểm định lại vùng quanh 1.050 - 1.055 điểm,  ưu tiên những nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và đang có sức mạnh giá trội hơn so với mặt bằng chung như ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng) và năng lượng (điện, dầu khí). Ngược lại, kháng cự mạnh của VN-Index là vùng 1.080 - 1.110 điểm. Nhà đầu tư lưu ý không nên mua đuổi giá cao nếu chỉ số VN-Index tiến sát đến vùng kháng cự kể trên, VNDIRECT khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), về tình hình vĩ mô, điểm tích cực là lãi suất của Việt nam đang có xu hướng giảm trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang có những tín hiệu tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính - tín dụng nhằm hỗ trợ giảm thiểu rủi ro thanh khoản của các ngân hàng Mỹ.

Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Tuy nhiên, những khó khăn về vĩ mô vẫn còn nhiều khi các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong nước chưa cho thấy hiệu quả thực tế, kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều bất ổn đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên có thể thị trường sẽ phản ứng tích cực trước khi những chuyển biến vĩ mô thực sự diễn ra.

SHS cho biết, một trong những thông tin tích cực hỗ trợ thị trường trong tuần qua là thông tin Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm trong  họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023.

Qua đó nhóm cổ phiếu bất động sản là nhóm được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực có diễn biến sôi động với thanh khoản tiếp tục cải thiện tốt trong tuần, duy trì xu hướng phục hồi tích cực với nhiều mã vượt vùng giá đỉnh cũ, tăng giá tốt tập trung nhiều ở các mã thị giá dưới giá trị sổ sách như QCG tăng 18,82%, VPH tăng 16,97%, TDC tăng 14,93%, ITC tăng 11,4%, DXG tăng 10,98%, SCR tăng 9,84%...

Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán cũng có diễn biến tích cực khi thanh khoản cải thiện và tăng giá ở nhóm mã giá dưới giá trị sổ sách và cổ phiếu đầu ngành, với BVS tăng 16,33 %, VIX tăng 13,77%, WSS tăng 12,96%, SHS tăng 10,78%, SSI tăng 8,39%...

Xu hướng tăng giá vẫn mở rộng sang các nhóm ngành khác như khu công nghiệp, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép, dầu khí và các cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng; trong đó, nhóm cổ phiếu khu công nghiệp, cao su có mức tăng giá vượt trội so với chỉ số chung như DTD tăng 30,1%, SIP tăng 10,65%, CLX tăng 10,61%, VGC tăng 10%, GVR tăng 8,39%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tính chất giữ nhịp thị trường và phục hồi tăng tốt trong những phiên cuối tuần như STB tăng 7,4%, SHB tăng 5,94%, OCB tăng 4,76%,  BID tăng 3,57%...

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết, theo kế hoạch đại hội đồng cổ đông năm 2023 của 261 trong tổng số 400 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE (chiếm khoảng 80% tổng vốn hóa), kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm sâu tập trung ở nhóm phi tài chính, trong khi nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm đặt kế hoạch 2023 tiếp tục tăng trưởng.

Lợi nhuận trước thuế mục tiêu năm 2023 suy yếu ở hầu hết các ngành, đặc biệt là tiện ích, năng lượng, nguyên vật liệu, vận tải, và bán lẻ.

Các ngành bước vào chu kỳ suy giảm chủ yếu liên quan đến xuất khẩu như logistics, hóa chất, phân bón, dệt may, thủy sản.

Trở ngại chính là triển vọng xuất khẩu ảm đạm trước nguy cơ suy thoái ở Mỹ, EU và sự cạnh tranh gia tăng từ Trung Quốc sau khi nước này mở cửa lại nền kinh tế.

Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua, nhưng nền kinh tế vẫn thiếu động lực tăng trưởng mạnh.

Theo công ty chứng khoán này, VN-Index đã có 1 tuần giao dịch tích cực khi tăng 26,59 điểm so với mức đóng cửa cuối tuần trước đó. Không chỉ gia tăng về điểm số, thanh khoản khớp lệnh cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Điểm đáng chú ý trong tuần là dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu có thị giá thấp.

Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá tích cực cho diễn biến tăng điểm của VN-Index trong tuần qua khi điểm số đã được củng cố bởi thanh khoản. Về mặt kỹ thuật, chỉ số cũng đã vượt thành công đường xu hướng giảm giá được nối bởi các đỉnh gần nhất. Sau khi vượt đường xu hướng, thị trường có thể sẽ xuất hiện diễn biến rung lắc để kiểm tra lại ngưỡng này, nhưng xu hướng trung hạn đã chuyển sang tăng điểm. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức khả quan.

Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới biến động trái chiều.

Thực tế, thị trường chứng khoán thế giới biến động trái chiều trong hầu hết các phiên giao dịch của tuần qua, khi các nhà giao dịch cân nhắc một loạt vấn đề, bao gồm hy vọng về giải pháp cho vấn đề trần nợ công của Mỹ, các tính toán về chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, tình hình bất ổn lĩnh vực ngân hàng và nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

Các nhà đầu tư hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngưng chiến dịch tăng lãi suất kéo dài sau khi số liệu cho thấy lạm phát tiêu dùng và bán buôn tại Mỹ đều tiếp tục giảm trong tháng 4/2023. Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tiêu dùng trong tháng 4/2023 của Mỹ đã tăng 4,9%, thấp hơn một chút so với mức tăng 5% trong tháng 3/2023.

Các thị trường lớn của châu Âu đã kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 12/5 trong sắc xanh, trong khi chứng khoán Phố Wall (Mỹ) giảm điểm sau khi tăng vào lúc mở cửa.

Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,1% xuống 33.300,62 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,2% xuống 4.124,08 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,4% xuống 12.284,74 điểm.

Còn tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,3% lên 7.754,62 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,5% lên 15.913,82 điểm. Còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,5% lên 7.414,85 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,2% lên 4.317,88 điểm.


Tin liên quan

Tin mới