Thúc đẩy thị trường carbon: Thêm lời giải bài toán giảm phát thải cho doanh nghiệp

Dùng công cụ thị trường, thay cho các biện pháp áp đặt hành chính, nhằm khuyến khích doanh nghiệp phải hoạt động thân thiện với môi trường hơn là triết lý nền tảng từ đó tạo lập nền móng cho thị trường carbon.

Mô hình thị trường carbon quốc tế

Thay vì sử dụng các biện pháp áp đặt hành chính, công cụ thị trường khuyến khích doanh nghiệp hoạt động thân thiện với môi trường. Nếu lượng phát thải được xem như một loại hàng hóa và áp dụng mức trần phát thải, doanh nghiệp sẽ có động lực để cắt giảm khối lượng khí nhà kính. Doanh nghiệp phát thải nhiều sẽ phải trả chi phí cao, trong khi doanh nghiệp phát thải ít có thể bán phần định mức phát thải dư thừa của mình để kiếm lời.

Thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới hiện có hai loại phổ biến: thị trường giao dịch bắt buộc và thị trường mua bán tự nguyện. Châu Âu là nơi tiên phong trong tạo lập và vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon với mục tiêu kiểm soát và giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình mua bán khí thải (ETS) giới hạn lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các bên phát thải mua hoặc bán khối lượng phát thải nhất định (Cap and Trade).

Một tín chỉ carbon tương đương với một tấn CO2 hoặc khí nhà kính. Liên minh châu Âu (EU) bị bắt buộc tham gia chương trình ETS với mức trần về đơn vị carbon. Mức trần này giảm dần theo thời gian, nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Số lượng tín chỉ carbon được phép giao dịch nằm trong mức trần đó. Mỗi ngành công nghiệp, mỗi doanh nghiệp được ấn định “hạn ngạch” phát thải hàng năm nhất định; nếu vượt qua mức đó sẽ bị phạt.

Việt Nam và cơ hội từ thị trường carbon

Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn. TS. Trương An Hà - chuyên gia thuộc Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) nhận định, việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước giúp Việt Nam giảm phát thải carbon hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh, thị trường carbon được xây dựng dựa trên nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh "thuận mua, vừa bán," đôi bên cùng có lợi. Để phát triển thị trường này, các nhà quản lý cần hoàn thiện quy định pháp luật và các doanh nghiệp cần hiểu nguyên lý vận hành của thị trường carbon để chủ động tham gia khi thị trường đi vào vận hành.

Về phía Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn cho biết, chuyển đổi năng lượng và thực hiện phát thải ròng bằng "0" là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về dài hạn.

Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh, chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về dài hạn. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị, trong đó đặc biệt cần chuẩn bị yếu tố về con người.

Để tham gia quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường carbon, tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.

Theo TS Nguyễn Phương Nam - Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và dịch vụ đổi mới khí hậu Klinova, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị từ bây giờ để tạo ra tín chỉ carbon, sẵn sàng tham gia giao dịch và tìm kiếm lợi nhuận.

Thị trường carbon là cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Nó cho phép doanh nghiệp linh hoạt và chủ động trong lựa chọn biện pháp tuân thủ hạn ngạch phát thải, từ đó mang lại hiệu quả chi phí trong cắt giảm phát thải.

Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt từ rừng, nông nghiệp và năng lượng. Các doanh nghiệp cần xác định việc giảm phát thải là bắt buộc, thay đổi công nghệ, phương thức quản lý và cách tiếp cận để tồn tại và phát triển phù hợp với xu thế, tạo nguồn thu mới từ tài chính carbon và các nguồn tài chính xanh.

 


Tin mới