Top thua lỗ quý 1/2023: Nhóm nhà đất, VLXD và nông nghiệp chiếm đa số, Hoà Bình, Dabaco và Pomina chiếm tổng lỗ gần 1.000 tỷ

Nhiều đơn vị tiếp tục điệp khúc lỗ như HAGL Agrico (HNG), Nosco (NOS), VNG (chủ quản Zalo, Tiki…).

Tính đến hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết đã công bố BCTC hợp nhất quý 1/2023. Giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế suy thoái, đầu ra khó trong khi áp lực lãi vay tăng cao… bức tranh chung không mấy khả quan.

Trong đó, chiếm đa số là nhóm bất động sản cùng các ngành liên quan là xây dựng và VLXD. Giữa lúc thị trường đóng băng, lãi suất tăng, nguồn vốn hạn hẹp, áp lực đáo hạn trái phiếu cùng những sự kiện liên quan Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... khiến doanh nghiệp xoay vần với dòng tiền.

Mặt khác, ngành chiếm "spotlight" quý này còn có nông nghiệp, bao gồm đơn vị chăn nuôi heo, phân bón. 

Câu lạc bộ lỗ trên 100 tỷ có 7 đơn vị, Top 3 gồm Xây dựng Hoà Bình, Dabaco và Thép Pomina chiếm 65% với tổng lỗ hơn 950 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế

Đứng đầu là Xây dựng Hoà Bình (HBC) , quý đầu năm Công ty đạt 1.194 tỷ doanh thu thuần, giảm 60% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp của HBC âm 203 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 198 tỷ đồng.

Chi phí tài chính tăng vọt 46%, HBC báo lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 11 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng thứ hai trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp, sau khi lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng trong quý 4/2022. Chỉ sau 2 quý gần đây, số lỗ của HBC đã xóa hết lợi nhuận của 21 quý trước cộng lại, và đang lỗ lũy kế 1.137 tỷ đồng.

Trong văn bản gửi HoSE mới đây, HBC cho biết trong thời gian vừa qua, công tác quản trị nội bộ của Công ty đã phát sinh một số vấn đề. Ban điều hành cùng toàn thể công nhân viên phải tập trung toàn lực để giải quyết các vấn đề trên. Điều này ảnh hưởng đến các hoạt động xuyên suốt của Công ty. Đến nay, HBC khẳng định các vấn đề về quản trị nội bộ đã được giải quyết hoàn toàn, Công ty đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố BCTC năm 2022, dự kiến chậm nhất là ngày 30/5/2023.

Xếp thứ hai là Tập đoàn Dabaco (DBC) với mức lỗ kỷ lục 321 tỷ đồng, quý trước đó Công ty đã báo lỗ gần 80 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ lớn, doanh thu giảm, trong khi DBC không còn “bia đỡ đạn” là mảng bất động sản, thì chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) tăng mạnh.

Theo giải trình, kinh tế quý 1/2023 bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của giai đoạn hậu Covid19 và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi vẫn liên tục tái phát. Ngoài ra, chi phí chăn nuôi tăng cao trong khi sức mua giảm, giá bán các sản phẩm trên thị trường ở mức thấp trong thời gian dài, dẫn đến kết quả chăn nuôi của các công ty con giảm mạnh so với cùng kỳ.

DBC được biết đến là doanh nghiệp có thâm niên trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Tổng đàn của Công ty tính đến đầu năm 2022 là 1 triệu con, sản lượng cung ứng xấp xỉ 600.000-700.000 con/năm.

Doanh nghiệp được nêu tên trong Top 3 còn có Thép Pomina (POM) . Dù ngành thép được nhận định đã qua cơn bĩ cực, POM vẫn còn thua lỗ hơn 168 tỷ trong quý đầu năm 2023, nâng tổng lỗ luỹ kế lên 440 tỷ đồng. Giải trình, POM cho biết do tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm, dẫn đến Công ty bị sụt giảm mạnh doanh thu. Trong khi chi phí cố định của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao gây nên lỗ lớn trong kỳ.

Do liên tục thua lỗ, chưa công bố BCTC kiểm toán, cổ phiếu POM bị đưa vào diện cảnh báo từ 25/4/2023.

Ngoài ra, nhiều đơn vị tiếp tục điệp khúc lỗ như HAGL Agrico (HNG), Nosco (NOS), VNG (chủ quản Zalo, Tiki…).

Với HNG, tình hình còn nhiều khó khăn, 2023 ban lãnh đạo lên kế hoạch lỗ thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh 437 tỷ đồng; lỗ trước thuế 2.316 tỷ đồng. Khi cổ đông hỏi về khả năng bị huỷ niêm yết tại ĐHĐCĐ mới đây, ông Trần Bá Dương không phủ nhận, ông cũng nhấn mạnh: “Năm nay cho lỗ hết, cho sạch rồi sau đó làm cho căn cơ”.

Tên tuổi gây chú ý thời gian qua là VNG, chào sàn trong bối cảnh thị trường gần như dậm chân, VNG liên tục tăng trần và đạt kỷ lục với thị giá có lúc vượt 1.000.000 đồng/cp. Về kinh doanh, BCTC tự công bố, 3 tháng đầu năm VNG đạt doanh thu thuần 1.852 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 847 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các chi phí, tổng cộng VNG lỗ 43 tỷ đồng trước thuế và lỗ 90 tỷ đồng sau thuế trong quý 1/2023. Trong đó, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 40,5 tỷ.


Tin liên quan

Tin mới