Vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án hạ tầng ở Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng đồng ý chủ trương vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỉ USD cho 16 dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Với các dự án ODA, Thủ tướng nêu rõ hiện còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA khi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.

Các dự án này nằm trong danh sách này như: Hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỉ đồng (Vĩnh Long); nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C dài hơn 37 km (3.888 tỉ đồng, Hậu Giang); hạ tầng đường bộ khu vực nam sông Tiền (4.260 tỉ đồng, Đồng Tháp); xây hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (hơn 2.660 tỉ đồng, An Giang).

Thủ tướng đồng ý vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án ODA vùng ĐBSCL.
Thủ tướng đồng ý vay 2,53 tỷ USD cho 16 dự án ODA vùng ĐBSCL. 

Dự án hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỉ đồng.

Dự án Phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu tại TP Cần Thơ với tổng mức đầu tư gần 9.800 tỉ đồng, gồm các hợp phần: mở rộng 10,2 km quốc lộ 61C (đoạn qua địa bàn), đường kết nối Ô Môn - Thới Lai - Giồng Riềng dài 22,5 km, xây cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối Cần Thơ với Đồng Tháp; Dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 53 (46 km), quốc lộ 62 (77 km) và đường Nam sông Hậu (142 km) tổng kinh phí gần 7.160 tỉ đồng...

Theo Báo cáo tại Hội nghị, hiện nay toàn khu vực mới chỉ có 171km cao tốc đưa vào sử dụng.

8 dự án đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác trong năm 2026 với tổng chiều dài 463 km (tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng). Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án giao thông tại ĐBSCL còn một số khó khăn như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, tư vấn, thủ tục giải ngân, điều kiện thi công phức tạp...

Các dự án tại vùng ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian; tiến độ hoàn toàn phụ thuộc vào việc bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, việc thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp cho các tuyến cao tốc sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai của các tuyến cao tốc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương nỗ lực tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.

Cụ thể, với dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư trong tháng 7/2023.

Với dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, UBND các tỉnh tập trung giải quyết các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 7/2023.

Với các dự án thành phần thuộc cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ đã lập để thực hiện công việc liên quan, đảm bảo bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng cao tốc, Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL. Nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền và nghiên cứu các phương án xây dựng cầu cạn cao tốc.


Tin liên quan

Tin mới