Vì sao nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Nhiều ĐBQH tán thành việc vẫn nên giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu bởi Quỹ vẫn giúp cơ quan điều hành bình ổn giá cả, duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô.

Đây là cơ sở để bình ổn giá

Sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) phát biểu về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường Quốc hội. Bà cho biết thời gian qua có nhiều ý kiến về việc cần bỏ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bảo đảm vận hành thị trường xăng, dầu theo cơ chế thị trường. Bởi đây là Quỹ ngoài ngân sách, được hình thành từ tiền trích trên mỗi lít xăng, dầu người dân mua.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, bối cảnh giai đoạn vừa qua khi giá xăng dầu thế giới có nhiều biến động, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng, tạo bước đệm bình ổn giá và không để giá nhiên liệu trong nước tăng sốc.

Việt Nam đang cần một nền kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển bền vững nên việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết; đồng thời không triệt tiêu ý nghĩa của việc giảm thuế Bảo vệ môi trường.

Thêm nữa là hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều hành của Nhà nước. Khi giá xăng dầu trồi sụt theo diễn biến của thị trường thế giới, giá thấp, nhà điều hành có thể trích quỹ, đến khi giá tăng lên có thể chi sử dụng quỹ.

Vì sao nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Các ĐBQH cũng tán thành việc duy trì Quỹ

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.

Theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, quan điểm của bà là nên giữ Quỹ. Quan trọng là tạo công tác quản lý và hoạt động của Quỹ sao cho kịp thời vì hiện nay giá xăng dầu rất nhiều biến động, tác động tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội.

Còn theo ông Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Giang, việc thiết lập Quỹ này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nguyên tắc là lập Quỹ bình ổn giá với bất kỳ mặt hàng nào cũng phải đảm bảo một số tiêu chí, nguyên tắc: công khai, minh bạch, hiệu quả để đảm bảo lợi ích của toàn xã hội. Sự quản lý phải công khai, minh bạch, không được lợi dụng sang mục tiêu khác.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, tháng 3/2023 vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu do ủy ban tổ chức, vấn đề duy trì quỹ hay không vẫn đang gặp 2 luồng ý kiến trái chiều, nhiều ý kiến nhận xét rằng quỹ này chưa đảm bảo đúng mục đích.

Ông Thanh dẫn chứng, qua theo dõi hoạt động của quỹ, ngày 21-6-2022 giá xăng dầu cao đỉnh điểm nhưng quỹ không có tác động giảm giá. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đang có hai luồng ý kiến có nên giữ hay không và đây là vấn đề rất trăn trở.

Tuy nhiên, từ phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, ông Thanh nói quan điểm của ông là nên giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Song nếu giữ cần phải khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại của việc điều hành thời gian qua.

Chỉ khi nào giá xăng dầu trong nước theo cơ chế thị trường một cách đúng nghĩa thực sự, giá xăng dầu trong nước bám sát giá thế giới thì sẽ bãi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan quản lý nên tính tới dùng Quỹ này như nào cho hợp lý mới là quan trọng chứ không nên cân nhắc việc bỏ quỹ. PGS.TS - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính Đinh Trọng Thịnh nêu quản điểm.


Tin liên quan

Tin mới