Xuất khẩu hàng dệt may vào Liên minh châu Âu sụt giảm: Đâu là giải pháp cải thiện?

Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn bởi nhiều yếu tố lạm phát, bất ổn chính trị kìm hãm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) - do hàng dệt may không phải là hàng thiết yếu nên bị sụt giảm đơn hàng.

Cụ thể, đối với thị trường EU, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào EU đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023 xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ được 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và nhiều khả năng tháng 9/2023 này sẽ tiếp tục giảm sâu.

Bên cạnh sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn đối diện với thách thức lớn. Theo đó, cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng.

Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Năm 2023, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Một thách thức nữa theo ông Vũ Đức Giang đó là vấn đề phát triển bền vững, xanh hóa cùng các tiêu chuẩn như về lao động, minh bạch sản xuất. “Vấn đề này doanh nghiệp lớn không đáng ngại nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là thách thức. Thách thức này là tài chính đầu tư hạ tầng, đầu tư đảm bảo môi trường, giảm khí thải, chuyển đổi sản xuất từ nồi hơi đốt than đá- củi sang nồi đốt điện” - ông Vũ Đức Giang bày tỏ.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu hàng dệt và may mặc sụt giảm, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số điểm để kịp thời thay đổi, thích ứng. Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Thứ hai, giữ chân khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và nhằm xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới, quan tâm nhiều hơn đến thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất. Cụ thể 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu dệt, may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu giày, dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1 so với cùng kỳ.


Tin liên quan

Tin mới