BĐS công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, nhiều 'đại gia địa ốc' chuyển hướng đầu tư

Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường nửa đầu năm 2023. Nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn như Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, Phát Đạt,… hiện đang nghiên cứu đầu tư các dự án khu công nghiệp quy mô lớn.

Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường

Chia sẻ tại buổi công bố Tổng quan thị trường bất động sản thương mại và công nghiệp Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Hoài An - Giám đốc cao cấp, Chi nhánh Hà Nội của Công ty TNHH CBRE Việt Nam nhận cho biết, phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường bất động sản Việt Nam nửa đầu năm 2023.

Thống kê của CBRE cho thấy, đối với đất công nghiệp, tỷ lệ hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của thị trường cấp I phía Bắc và phía Nam đạt lần lượt là 386 ha và 397 ha. Mức hấp thụ này cao hơn 20% đối với phía Nam và 60% đối với phía Bắc so với nửa đầu năm 2022.

Do quỹ đất hạn chế và khả năng hấp thụ tương đối tốt nên giá thuê đất công nghiệp ổn định, phát triển mạnh mẽ ở cả hai khu vực. Giá thuê trung bình của thị trường sơ cấp phía Bắc và phía Nam lần lượt ở mức 127 USD/m2 cho kỳ hạn còn lại và 187 USD/m2. Như vậy, trong 4 năm qua, giá thuê trung bình tăng 7%/năm ở phía Bắc và 13%/năm ở phía Nam.

 Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường.
 Bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường.

Theo bà An, thị trường nhà kho, nhà xưởng xây sẵn cũng chứng kiến nguồn cung tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng qua, tổng cộng 0,9 triệu m2 nhà kho và nhà xưởng xây sẵn đã được hoàn thành tại thị trường cấp 1 của cả hai miền; trong đó, 60% nguồn cung này đến từ miền Bắc.

Nguồn cung đã tăng hơn 20% hàng năm ở miền Bắc và 18% đến 49% mỗi  năm ở miền Nam trong 4 năm qua. Khi cạnh tranh gia tăng, tốc độ tăng giá thuê của các phân khúc này ở mức vừa phải, duy trì ở mức 2-3%/năm trong 4 năm qua.

Về nguồn cầu, lãnh đạo CBRE Việt Nam cho rằng, khu vực phía Bắc tiếp tục ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ từ lĩnh vực điện máy. Nửa đầu năm 2023, thị trường ghi nhận sự mở rộng của các nhà sản xuất lớn như Foxconn và Goertek tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Ngoài ra, sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà sản xuất Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực cũng góp phần giúp phân khúc đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn ghi nhận sức hấp thụ tốt tại miền Bắc.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường phía Nam lại rất đa dạng. Khách thuê từ ngành ô tô, may mặc và bao bì nằm trong số các nhóm ngành đang tích cực tìm kiếm đất công nghiệp, nhà kho và xưởng sản xuất sẵn ở phía Nam.

Chuyên gia của CBRE dự báo, trong tương lai, giá thuê đất khu công nghiệp sẽ tăng với tốc độ thấp hơn trước, khoảng 4-8%/năm sau một thời gian tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, giá thuê nhà kho xây sẵn có thể tăng nhẹ dưới 4% trong 12 tháng tới ở cả hai khu vực do cạnh tranh cao hơn từ các dự án trong tương lai.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2023 thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng khi nguồn cung có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận. Đồng thời xuất hiện các nhà sản xuất toàn cầu với nhu cầu đầu tư lớn đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất tại Bắc Giang, Đồng Nai,...

Bên cạnh điểm sáng tích cực nói trên thì nguồn cung bất động sản khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp có diện tích lớn hiện vẫn còn hạn chế. Trong quý I/2023, nguồn cung bổ sung nổi bật từ một số dự án được khởi công, ra mắt mới tại các tỉnh như Bình Dương, Cần Thơ, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.

Bộ Xây dựng cho biết, công suất thuê bất động sản công nghiệp trong quý có xu hướng tăng nhẹ so với quý IV/2022.

Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp bình quân trên cả nước hiện nay vẫn duy trì ở mức trên 80%. Tại các địa phương như Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP HCM công suất cho thuê luôn ở mức cao trên 95%. Giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp trong quý 1/2023 cũng tăng khoảng 8 - 10% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều 'đại gia địa ốc' chuyển hướng đầu tư sang khu công nghiệp

Trong bối cảnh bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường, vào quý II/2023 nhiều doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư nhiều dự án khu công nghiệp mới tại các địa phương.

Đơn cử, tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã ký kết với Khánh Hòa biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các dự án khu công nghiệp như: Khu công nghiệp Ninh Sơn; Khu công nghiệp Nam Cam Ranh; Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng.

Tương tự, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 33 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 210.000 tỷ đồng.

Trong số 33 dự án nói trên, có rất nhiều dự án khu công nghiệp. Chẳng hạn, Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng tổng vốn đầu tư 13.200 tỷ đồng; Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt nghiên cứu xây dựng 2 dự án tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Bắc Hồng Lĩnh và Khu công nghiệp phía Tây TP Hà Tĩnh với tổng vốn đầu tư 2.350 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Thăng Long nghiên cứu xây dựng dự án Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, vốn đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Tập đoàn Vingroup nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng (Hà Tĩnh).

Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Semec nghiên cứu xây dựng dự án Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên và dự án Cụm công nghiệp Tân Lâm Hương; Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) nghiên cứu xây dựng dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP tại tỉnh Hà Tĩnh.

Mới đây, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Messer SE & Co. KgaA thực hiện dự án nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi tại KCN Phía Đông, KTT Dung Quất, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.157 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD).

Đơn vị này cũng đang xem xét đề xuất của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Phát Đạt về việc đầu tư xây dựng khu công nghiệp đô thị dịch vụ Phát Đạt - Dung Quất tại khu vực 2 (495 ha), khu vực 4 (310 ha), thuộc phân khu Bình Thanh, Khu kinh tế Dung Quất.

Tại Phú Yên, Tập đoàn Hòa Phát vừa đề xuất đầu tư 4 dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng. 4 dự án nói trên gồm, dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Hòa Tâm, Cảng bãi Gốc, Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu thương mại - Dịch vụ.


Tin liên quan

Tin mới