Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2023

Việc thương mại hóa dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng công nghệ IMT-2020 (5G) theo nguyên tắc phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, là nền tảng từng bước phát triển các ứng dụng, dịch vụ của 5G, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số phục vụ tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Quyết định số 1652/QĐ-BTTTT và việc thương mại hóa dịch vụ 5G. Cụ thể theo kế hoạch dự kiến cuối năm 2023, đầu năm 2024, các nhà mạng sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G tới khách hàng. 5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối IoT, phát triển thông minh. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2300-2400 MHz với 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz) (dùng cho 4G và 5G).

Theo đó mỗi khối băng tần có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng 15 năm. Đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, không có doanh nghiệp nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia. Hiện nay, công nghệ 5G đang phát triển rất mạnh trên thế giới với 247 nhà mạng tại khoảng 100 quốc gia đã triển khai và khoảng 270 nhà mạng khác đang đầu tư chuẩn bị đưa công nghệ 5G đến với người dùng. Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ có thêm 30 thị trường tham gia vào sân chơi 5G.

5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối IoT, phát triển thông minh.
5G được xác định là hạ tầng quan trọng cho thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phục vụ nhu cầu kết nối IoT, phát triển thông minh.

Ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép triển khai thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng (Viettel, VNPT, MobiFone) tại 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cơ quan quản lý khuyến khích các doanh nghiệp thử nghiệm các ứng dụng của 5G, đánh giá nhu cầu thị trường và phương án kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh hiệu quả nhất khi được cấp phép chính thức. Việc đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông 5G tiết kiệm, hiệu quả trên cơ sở lựa chọn kiến trúc, công nghệ thích hợp, thực hiện các giải pháp chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước và mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp khi triển khai thương mại công nghệ mới. Ưu tiên thương mại hóa 5G trên thiết bị do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Cũng tại quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông giao các nhiệm vụ trọng tâm cho các đơn vị thuộc Bộ cùng các doanh nghiệp viễn thông di động.

Trong đó, tháng 9/2023, Cục Tần số vô tuyến điện chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế trình lãnh đạo Bộ ban hành quy hoạch băng tần triển khai 5G; tháng 11/2023, tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G. Cục Viễn thông chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình lãnh đạo Bộ cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá băng tần triển khai 5G cho doanh nghiệp trong tháng 11/2023. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày doanh nghiệp trúng đấu giá nộp đủ các khoản tài chính theo quy định, Cục Viễn thông trình lãnh đạo Bộ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông cho doanh nghiệp trúng đấu giá băng tần triển khai 5G. Ngoài ra, trong quý IV/2023, Cục Viễn thông sẽ chủ trì phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện và các doanh nghiệp viễn thông di động nghiên cứu, xây dựng phương án chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp để bảo đảm tiết kiệm chi phí đầu tư.


Tin liên quan

Tin mới