Chứng khoán phái sinh: Bên mua ép bên bán về vị thế yếu

Trên sàn phái sinh, dấu hiệu dứt khoát từ phía nhà đầu tư mua lên, ép bên bán về vị thế yếu và sự ủng hộ từ phía thị trường cơ sở mang lại kỳ vọng xu hướng tăng sẽ tiếp diễn.

Chứng khoán toàn cầu: Dòng tiền lớn quay lại

Thị trường chứng khoán liên tiếp đón được dòng tiền mới tham gia trong tuần qua. Chính việc các chỉ số tăng vượt đỉnh, bao gồm thị trường Việt Nam, đã giúp mang lại niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường vốn. Bên cạnh đó, hiệu ứng dòng vốn lan tỏa đều các nhóm ngành là cơ sở cho kỳ vọng về nhịp tăng trưởng lành mạnh kéo dài. Nhìn về góc độ vĩ mô, các thị trường đang bắt đầu vận động theo yếu tố địa phương hóa cũng là điểm lợi thế với chỉ số chứng khoán trong nước khi liên tiếp có các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Xét về yếu tố chu kỳ tài sản, điều dễ nhận thấy nhất lúc này là nhóm các chỉ số chứng khoán duy trì ở khu vực tăng mạnh trong nhiều tuần liên tiếp. Với chỉ số S&P 500, đà tăng đến từ hàng loạt nhóm cổ phiếu thuộc ngành công nghệ, đặc biệt nhóm có liên quan đến sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo (AI). Qua đó, nhịp tăng được đánh giá là bền vững vì các ngành này cũng chính là động lực tăng trưởng cho chỉ số dẫn dắt tâm lý S&P 500 trong giai đoạn 2010 - 2020. Không thể bỏ qua chỉ số chứng khoán trong nước VN-Index khi đuổi kịp được vận động chung, cũng như chính thức vượt đỉnh năm 2023.

Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản
Chiều hướng vận động của một số chỉ số chứng khoán và tài sản

Nhưng không phải tất cả đều tích cực khi yếu tố phân hóa từ tài sản bắt đầu diễn ra ở mức độ gay gắt hơn. Trong khi chỉ số đại diện châu Á Shanghai Composite gặp áp lực điều chỉnh và ở vùng giảm mạnh, thì thị trường hàng hóa đang trong giai đoạn ghi nhận áp lực bán chiếm ưu thế.

VN30 tăng không quá nóng

Thị trường tăng điểm tiếp diễn vừa mang lại trạng thái hân hoan cho các vị thế tham gia thị trường, nhưng cũng đồng thời tạo cảm giác nghi ngại khi nhiều chỉ báo đã bắt đầu đi sâu vào vùng quá mua. Nhưng có thể, chính yếu tố thanh khoản sôi động, đại diện cho việc dòng tiền mới tham gia đã giúp cho vận động từ chỉ số VN30 vẫn ở mức tích cực và có được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng.

Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30
Đồ thị kỹ thuật chỉ số VN30

Đồ thị nến từ VN30 chưa có sự thay đổi nhiều trong tuần qua và chủ yếu là ghi nhận biến động tích lũy với biên độ rộng. Diễn biến giá thời điểm này khá hợp lý với việc dòng tiền giao dịch ngắn hạn tìm cách bán chốt lời khi giá tiếp cận vùng đỉnh cũ, trong khi dòng tiền mới tăng cường tham gia. Nhìn ngắn hạn, mức rủi ro giao dịch trên thị trường có thể tăng cao khi biến động giá phức tạp, nhưng là điều cần thiết để VN30 “hạ nhiệt”, cũng như duy trì trạng thái tăng giá lành mạnh.

Xét về yếu tố chỉ báo, điểm đáng chú ý là động lượng RSI phục hồi nhanh chóng trở lại sau pha cảnh báo phân kỳ âm. Đây là lần đầu tiên vận động này xuất hiện trong nhiều năm nay, cho thấy tâm lý giao dịch từ phía nhà đầu tư cá nhân đã vững vàng hơn rất nhiều nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái. Trạng thái tăng trưởng tích cực từ phía chỉ báo xu hướng MACD cũng góp phần khẳng định quan điểm này.

Chứng khoán phái sinh: Mua khi giá điều chỉnh

Pha điều chỉnh bất ngờ trong tuần trước đã được bên mua (Long) đáp trả trong tuần qua, với pha tăng tạo khoảng trống giá đầu tuần. Dấu hiệu dứt khoát từ phía nhà đầu tư mua lên và sự ủng hộ từ phía thị trường cơ sở giúp kỳ vọng xu hướng tăng sẽ kéo dài.

Thực tế, vận động giá từ thị trường phái sinh giai đoạn này khá phức tạp khi liên quan đến thanh khoản từng phiên cạn kiệt và dòng tiền dồn về phía thị trường cơ sở. Đây là lý do khiến biến động giá trong mỗi phiên giao dịch từ hợp đồng phái sinh tháng 7/2023 ở mức cao và mang lại rủi ro cho vị thế giao dịch ngắn hạn. Chỉ báo thanh khoản ngắn hạn gia tăng trong các phiên gần đây thể hiện tác động mạnh hơn từ mỗi vị thế tham gia trong phiên.

Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M
Đồ thị kỹ thuật hợp đồng VN30F1M

Nhưng nhìn về góc độ xu hướng, vận động giá từ hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng (VN30F1M) đồng pha với chỉ số cơ sở VN30 khi xác lập xu hướng tăng dài hạn. Chỉ báo động lượng RSI cũng nhanh chóng trở về giai đoạn sức mua chiếm ưu thế, mặc cho cảnh báo phân kỳ âm xuất hiện từ thời điểm giá tạo khoảng trống. Nhìn chung, bên mua đã bỏ qua thời điểm chờ đợi giá kiểm chứng vùng hỗ trợ và nhanh chóng tham gia mua lên, ép bên bán (Short) về vị thế yếu.

Chiến lược nhà đầu tư phái sinh nên ưu tiên lúc này là giao dịch theo xu hướng. Nhưng với hiện tượng rủi ro cao và RSI tiệm cận vùng quá mua, việc mở lệnh mua khi giá điều chỉnh trong phiên là cần thiết. Theo đó, trường hợp VN30F1M kiểm chứng lại nền giá 1.100 điểm sẽ là cơ hội mở vị thế mua an toàn. Trong trường hợp giá bứt phá lên kênh giá mới, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần khi giá vượt ngưỡng cản 1.120 điểm.


Tin liên quan

Tin mới