Cổ đông muốn "tiền tươi", ngân hàng vẫn ồ ạt phát hành cổ phiếu

Dù cổ đông ngân hàng luôn ngóng được trả cổ tức bằng tiền mặt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn kiên định phương án phát hành cổ phiếu, bất chấp sự trầm lắng của thị trường chứng khoán. Hiện tại, số cổ phiếu chuẩn bị phát hành trong năm nay của các ngân hàng đã lên tới 3 tỷ đơn vị.
Năm nay, thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ không hề thuận lợi cho hoạt động phát hành thêm cổ phiếu.
Năm nay, thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ không hề thuận lợi cho hoạt động phát hành thêm cổ phiếu.

Tính từ đầu năm đến nay, ngành Ngân hàng đã phát hành tổng cộng gần 1,7 tỷ cổ phiếu mới để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Ngoài ra, số cổ phiếu chuẩn bị phát hành trong năm nay của các ngân hàng cũng lên tới 3 tỷ đơn vị.

Hàng tỷ cổ phiếu sắp được “bơm” vào thị trường

Theo đó, tháng 6 vừa qua, TPBank đã phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 39,19%. ACB cũng hoàn tất phát hành 506,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 15%.

Tương tự, SeABank cũng phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ xấp xỉ 14,47% và phát hành hơn 118,2 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 5,8%.

Trước đó, vào cuối tháng 5, ABBank phát hành 94 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông.

Ngoài ra, hồi tháng 2, Eximbank cũng đã phát hành gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, Eximbank mới trả cổ tức cho cổ đông. Lần chia cổ tức gần nhất là với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt cho năm 2013 và được nhà băng này thực hiện vào năm 2014.

Mới đây nhất, VIB đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 23/6 để phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%. Nam A Bank cũng cho biết sẽ chốt danh sách cổ đông vào ngày 7/7 để phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngân hàng này sẽ phát hành thêm hơn 211,6 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 25%.

SHB thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 25/7 để chi trả cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành hơn 552 triệu cổ phiếu. HDBank cũng công bố ngày 20/7 là đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức năm 2022 bằng cổ phiếu. HDBank dự kiến phát hành hơn 377 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 15%.

Mới đây nhất, SeABank cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, SeABank phát hành 295,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 và phát hành 118,2 triệu cổ phiếu thưởng.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng. Cụ thể, nhà điều hành đã chấp thuận việc Vietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức.

OCB vừa được cho phép phát hành gần 685 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, đưa vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

LPBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385,3 tỷ đồng qua nhiều phương án khác nhau. Trong đó, ngân hàng này sẽ phát hành tối đa 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%.

Trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giữ lại nguồn vốn thặng dư

Dù trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước không còn cấm các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, mới chỉ có 6 ngân hàng thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt, các đơn vị còn lại vẫn kiên định với chiến lược chia cổ tức toàn bộ bằng cổ phiếu.

Chia sẻ với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giữ lại nguồn vốn thặng dư, đem lại nguồn vốn hoạt động cho ngân hàng nhưng cổ đông lại không mong muốn điều này vì diễn biến trầm lắng hiện tại của thị trường chứng khoán.

Trong mùa họp Đại hội đồng cổ đông vừa qua, cổ đông nhiều ngân hàng cũng bày tỏ mong muốn được chia cổ tức bằng... “tiền tươi thóc thật”.

Việc phát hành thêm cổ phiếu hiện nay gặp khó khăn do thị trường chứng khoán trầm lắng, giao dịch ảm đạm. “Năm nay, thị trường chứng khoán được dự đoán sẽ không thuận lợi cho hoạt động phát hành thêm cổ phiếu, trong khi phương án phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ của các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường này”, ông Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đánh giá xu hướng tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, nhằm tăng vốn sẽ có lợi cho các ngân hàng trong giai đoạn khó khăn này.

Ngoài kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán cổ phiếu riêng lẻ, các ngân hàng còn sử dụng kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).


Tin liên quan

Tin mới