Cựu Chủ tịch Đầu tư Tài sản Koji (KPF) thoái sạch vốn, ước lỗ hơn 30%

Cổ phiếu KPF từng bứt phá mạnh trong năm 2022 khi tăng gấp đôi lên mức giá 22.600 đồng/cp trong tháng 8. Tuy vậy, giá cổ phiếu không thể giữ được đỉnh cao và liên tục sụt giảm.

Sau khi bán ra gần 4 triệu cổ phiếu KPF, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Tài sản Koji (HOSE: KPF) đã chính thức thoái hết vốn tại công ty Cụ thể, ngày 09/05 vừa qua, ông Vũ Ngọc Hoàng đã bán thành công hơn 3,8 triệu cổ phiếu KPF. Lượng cổ phần này tương đương 6,27% vốn của Công ty.

Hình minh họa. Nguồn: Internet

Ông Hoàng vốn là cựu Chủ tịch HĐQT KPF. Cuối tháng 3, ông đệ đơn xin từ nhiệm tư cách Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT với lý do cá nhân. Đơn từ nhiệm đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của KPF.

Sau giao dịch, ông Hoàng không còn nắm cổ phiếu KPF và không còn là cổ đông. Ước tính theo giá đóng cửa phiên 09/05 là 9.090 đồng/cp, ông Hoàng đã thu về gần 35 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu.

Lượng cổ phiếu KPF kể trên được ông Hoàng mua vào từ tháng 5/2022. Chiếu theo thị giá giai đoạn đó, vị này đã chi ra khoảng 52 tỷ đồng. Như vậy, sau gần 1 năm nắm giữ, ông Hoàng đã chịu lỗ hơn 30% với cổ phiếu này.

Cổ phiếu KPF từng bứt phá mạnh trong năm 2022 khi tăng gấp đôi lên mức giá 22.600 đồng/cp trong tháng 8. Tuy vậy, giá cổ phiếu không thể giữ được đỉnh cao và liên tục sụt giảm. Có thời điểm, thị giá KPF rớt về mức 8.500 đồng/cp (25/11/2022). Tính tới cuối phiên 10/05, cổ phiếu này chốt ở mức 9.140 đồng/cp, giảm 28% so với đầu năm.

Diễn biến giá cổ phiếu KPF từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)
Diễn biến giá cổ phiếu KPF từ đầu năm 2023 đến nay (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính IV/2022, KPF có doanh thu đạt 2 tỷ đồng, cùng kỳ không ghi nhận doanh thu. Lợi nhuận sau thuế của công ty ghi nhận ở mức 3,57 tỷ đồng, giảm 82,9% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, KPF có lợi nhuận gộp ở mức 2 tỷ đồng; doanh thu tài chính đạt 18,14 tỷ đồng, giảm giảm 23,8% so với cùng kỳ; chi phí tài chính 15,18 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 1 tỷ đồng tương ứng 55,6% còn 0,8 tỷ đồng. Các hoạt động khác của KPF biến động không đáng kể.

Như vậy, nguyên nhân khiến lợi nhuận của KPF giảm mạnh do ghi nhận khoản chi phí tài chính lên đến 15,17 tỷ đồng làm giảm doanh thu từ hoạt động tài chính vốn là kênh kiếm tiền chủ yếu của công ty. Về cơ cấu doanh thu hoạt động tài chính bao gồm 9,17 tỷ đồng lãi tiền gửi, cho vay và 8,97 tỷ đồng lãi đầu tư trái phiếu.

Lũy kế trong năm 2022, KPF ghi nhận doanh thu đạt 2 tỷ đồng, giảm 92% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 71,58 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, KPF đặt kế hoạch doanh thu 450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, Công ty không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt 34,9% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về cơ cấu tài sản của KPF, tổng tài sản của công ty tăng 10,2% so với đầu năm lên 803,9 tỷ đồng, mức tăng 74,23 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 39,3% so với đầu năm lên 510,5 tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng tài sản. So với thời điểm cuối năm 2021, đầu tư tài chính dài hạn của công ty giảm 19,9% về 288,2 tỷ đồng, khoản này chiếm 35,9% tổng tài sản của KPF.

Cụ thể hơn, các khoản phải thu ngắn hạn của KPF bao gồm 152,6 tỷ đồng từ CTCP Tư vấn đầu tư KIN Capital; 95,06 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu; 91,9 tỷ đồng phải thu từ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm; 72,22 tỷ đồng CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương; 26,38 tỷ đồng Công ty TNHH New World Capital; 10,3 tỷ đồng Công ty TNHH The Alcove Library và 8 tỷ đồng tại Công ty CP Bách Niên Gia.

Ngoài ra, đầu tư tài chính dài hạn chủ yếu 144 tỷ đồng vào Công ty CP TTC Deluxe Sài Gòn; 159,36 tỷ đồng trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu và Công ty CP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Son.


Tin liên quan

Tin mới