Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi giá lúa gạo tăng mạnh

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng phần lớn doanh nghiệp giai đoạn này cần thận trọng trong việc ký các hợp đồng trước diễn biến giá lúa trong nước tăng cao.

Hiện nay, giá lúa tươi đang tăng cao sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Theo các doanh nghiệp, điều này sẽ có lợi cho nông dân khi Việt Nam đang bắt đầu vụ thu hoạch hè thu từ nay đến hết tháng 9. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, sẽ xuất hiện những rủi ro. 

"Giá lúa tươi tại ruộng hiện khoảng 6.600 - 6.800 đồng một kg, so với hơn 500 USD/tấn gạo thì lỗ. Vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa nên các doanh nghiệp đang hạn chế, dừng lại để lo hoàn thành hợp đồng đã ký chưa dám ký mới", ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho hay.

Hiện nay, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi hoặc Indonesia ký hợp đồng với giá khá thấp, khoảng dưới 500 USD/tấn. Do vậy, doanh nghiệp chưa thu mua được hàng sẽ gặp những khó khăn nhất định. "Hiệp hội và các doanh nghiệp cần có thông tin kịp thời. Thứ hai, trước mắt, doanh nghiệp nên tập trung vào mua hàng trước sau đó mới xem xét xuất khẩu", ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp giai đoạn này cần thận trọng trước diễn biến giá lúa trong nước tăng cao. Ảnh minh họa
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp giai đoạn này cần thận trọng trước diễn biến giá lúa trong nước tăng cao. Ảnh minh họa

Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ để chế biến các sản phẩm từ gạo. Khi việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ gặp khó khăn, để duy trì chế biến, các doanh nghiệp sẽ phải mua gạo trong nước. Giá gạo trong nước sẽ bị ảnh hưởng.

"Khi giá thị trường có lợi cho xuất khẩu, các doanh nghiệp thường ồ ạt xuất khẩu, như vậy có thể thiếu nguồn hàng trong nước. Hiện nay Ấn Độ dừng nên chúng ta sẽ hụt lượng hàng khá lớn cho thị trường tiêu dùng, chế biến trong nước. Các doanh nghiệp cần cố gắng có lượng thu mua ổn định, hạn chế bán ra mới đảm bảo thị trường trong nước ổn định", ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Tính đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ thu hoạch khoảng 80% so với cùng kỳ, tập trung tại các tỉnh Long An, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Vì vậy, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định sản lượng lúa thu hoạch trong thời gian tới dự kiến sẽ còn dư địa gia tăng mạnh khi vụ hè thu đạt điểm rộ nhất rơi vào tháng 8. Vì vậy, VFA cho rằng doanh nghiệp nên mua vào hỗ trợ người nông dân và hạn chế bán ra.

Không nên lạc quan quá mức và coi đây là cơ hội dài hạn

Theo ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, người nông dân đang có lợi nhuận tốt nhất từ trước đến nay, tuy nhiên ông cũng khuyến cáo tới các doanh nghiệp: "Tôi không nghĩ đây là cơ hội dài hạn vì nó là một quyết định trong ngắn hạn của Ấn Độ. Trên tất cả, chúng ta vẫn nên thận trọng, vì trong trường hợp không thể nhập khẩu gạo từ Ấn Độ nữa khi hàng năm chúng ta nhập khẩu từ 700.000 đến 1 triệu tấn, trong đó hơn 700.000 tấn là từ Ấn Độ, nhưng hiện Ấn Độ không xuất khẩu nữa thì nguồn đó được bù đắp từ đâu cũng là cả vấn đề. An ninh lương thực không chỉ là lương thực để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. An ninh lương thực còn có nhu cầu cho các ngành sản xuất khác, ví dụ như làm bún, bánh, thức ăn gia súc... 

Do đó, với tổng nhu cầu trong nước như vậy, nếu bây giờ chúng ta không cẩn thận, xuất khẩu quá mức tôi e rằng an ninh lương thực trong nước cũng bị ảnh hưởng. Cơ hội là ngắn hạn, thách thức cũng có, rủi ro cũng có nên tôi cho rằng cả doanh nghiệp, người nông dân và nhà nước nên thận trọng", ông Khánh nhận định.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ gần 490 USD/tấn.


Tin liên quan

Tin mới