Nga tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm nay

Mới đây, chính phủ Nga đưa ra tuyên bố cấm xuất khẩu gạo "tạm thời" nhằm ổn định thị trường trong nước. Hạn chế xuất khẩu áp dụng với cả gạo thô và gạo đã qua chế biến, có hiệu lực đến ngày 31/12/2023.

Lệnh cấm mới nhất của Nga không áp dụng cho các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á - Âu (Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) hoặc 2 vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Ngoài ra, lúa gạo vẫn có thể được vận chuyển ra nước ngoài để viện trợ nhân đạo, hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Nga.

Theo TASSA - kênh thông tấn lớn nhất Liên Bang Nga đưa tin, Chủ tịch Liên minh Ngũ cốc Nga Arkady Zlochevsky chia sẻ, giá gạo hạt dài nhập khẩu - loại gạo không được sản xuất tại Nga - đã tăng 20-30% trong 18 tháng qua. Ông lưu ý, người Nga hàng năm tiêu thụ 1 triệu tấn gạo, trong đó gạo hạt dài chiếm khoảng 200.000 tấn.

Nga tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm nay. Ảnh minh họa
Nga tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo đến cuối năm nay. Ảnh minh họa

Ông Zlochevsky cho biết, sản lượng gạo hạt ngắn của Nga đủ để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản lượng gạo hạt ngắn trong năm 2023 sẽ tăng lên so với năm 2022 - thời điểm sản lượng gạo hạt ngắn ở Nga giảm do sự cố thuỷ lợi.

Theo Sputnik, từ năm 2016, Nga đã trở thành nước tự cung cấp gạo. Trong năm đó, ngành trồng lúa ở Nga đã đóng góp vào kho 1,2 triệu tấn.

Nga vốn có điều kiện khí hậu không quá thích hợp cho việc trồng lúa gạo. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo phát triển nhanh ở khu vực phía Nam đất nước, trong đó có vùng Krasnodar. Trong 10 năm tính tới 2016, thu hoạch lúa gạo ở Nga đã tăng gấp đôi trong khi diện tích trồng lúa chỉ tăng 1/3.

Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Nga, đầu tuần này, Ấn Độ - nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất thế giới - đã áp dụng biện pháp tương tự, cấm bán gạo trắng non-basmati ra nước ngoài. New Delhi cho biết, lệnh cấm nhằm đảm bảo có đủ hàng và làm dịu đà tăng giá lúa gạo ở thị trường nội địa.


Tin liên quan

Tin mới