Trước ngày cổ phiếu HSG bị cắt margin, Dragon Capital “rời ghế” cổ đông lớn của Hoa Sen

Nhóm quỹ ngoại do Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã bán 1,75 triệu cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) trong phiên giao dịch 25/05.

Cụ thể, Amersham Industries Limited bán 250.000 cổ phiếu HSG; Vietnam Enterprise Investments Limited bán 500.000 cổ phiếu; và Wareham Group Limited bán 1.000.000 cổ phiếu.

Trên thị trường, trong phiên 25/5, cổ phiếu HSG không có giao dịch thỏa thuận, do đó giao dịch trên của Dragon Capital được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Tạm tính theo thị giá HSG đóng cửa phiên diễn ra giao dịch (15.500 đồng/cp), ước tính nhóm quỹ Dragon Capital thu về hơn 27 tỷ đồng từ thương vụ này.

Cổ phiếu HSG bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.
Cổ phiếu HSG bị cắt margin do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.

Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital đã giảm sở hữu từ 30,6 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 5,1%) xuống còn 28,85 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,8%) và chính thức không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen Group từ ngày 29/5.

Động thái này diễn ra ngay trước khi cổ phiếu HSG bị HOSE cắt margin. Cụ thể, ngày 30/5/2023, HOSE ra thông báo về việc bổ sung danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Cổ phiếu HSG lọt tầm ngắm do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.

Do niên độ tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 31/9 năm sau, doanh nghiệp đã công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc ngày 31/3/2023.

Doanh thu 6 tháng đầu niên độ tài chính đạt 14.898 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. Trừ các chi phí, tập đoàn lỗ ròng 424 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước đó lãi sau thuế 873 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 424 tỷ đồng.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong nửa đầu niên độ 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận lỗ 506,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 904,7 tỷ đồng, tức giảm 1.411,4 tỷ đồng.

Như vậy, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, đây chính là nguyên nhân chính dẫn tới lỗ trong nửa đầu niên độ tài chính 2022-2023.

Được biết, trong niên độ 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản.

Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, Công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, cho dù là kịch bản nào, với việc lỗ trong 6 tháng đầu năm niên độ 2022-2023, Hoa Sen còn cách rất xa kế hoạch lãi niên độ 2022-2023.

Sau khi nhận thông báo bị cắt margin, cổ phiếu HSG đã giảm mạnh (-2,8%) trong phiên 31/5 xuống 15.400 đồng/cp. Với mức giá hiện tại, HSG đã tăng hơn gấp đôi so với đáy giữa tháng 11/2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn 69% so với đỉnh lịch sử 49.850 đồng/cp hồi giữa tháng 10/2021.

Dragon Capital “rời ghế” cổ đông lớn của Hoa Sen
Diễn biến giá cổ phiếu HSG. Nguồn: TradingView

 


Tin liên quan

Tin mới