Giải mã sự giảm dần lợi nhuận đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội

Hoạt động đầu tư quỹ BHXH đang gặp hạn chế về tốc độ sinh lời và đang có xu hướng giảm do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, và lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm xuống còn khoảng 2,8-2,5%/năm vào năm 2021.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong bản báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề cập đến vấn đề sự giảm dần của đầu tư từ Quỹ BHXH.

Bảo hiểm xã hội

Tốc độ sinh lời từ quỹ có xu hướng giảm

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã công bố báo cáo về quản lý Quỹ BHXH, trong đó cho biết quy mô của quỹ đã tăng nhanh trong suốt nhiều năm, và dự kiến đến cuối năm 2022, tổng giá trị của các quỹ sẽ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng. Điều này tương đương với khoảng 175 lần quy mô đầu tư của năm 1998 và gấp đôi quy mô các quỹ năm 2016 (năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Mặc dù quỹ đã tăng nhanh về quy mô, tuy nhiên tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư đang gặp hạn chế và giảm dần do danh mục đầu tư chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, và lãi suất trái phiếu Chính phủ hiện đang giảm mạnh. Năm 2021, lãi suất trung bình của trái phiếu Chính phủ đã giảm xuống còn khoảng 2,8-2,5%/năm so với mức trung bình khoảng 8-9%/năm trước đó.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết rằng nguyên nhân dẫn đến tốc độ sinh lời không cao và có xu hướng giảm, trước hết cần nhận thức rõ ràng về việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không quy định bắt buộc một chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn.

Hiện tại, việc bảo đảm an toàn quỹ được đặt lên hàng đầu đồng thời cũng tăng tốc đô sinh lời. Tuy nhiên, danh mục đầu tư chủ yếu của quỹ là đầu tư trái phiếu Chính phủ (gồm cho vay ngân sách nhà nước và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại). Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định cụ thể về quản trị rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư đối với các sản phẩm đầu tư để phòng ngừa hậu quả.

Với mục tiêu nâng cao tốc độ sinh lời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bằng cách bổ sung mục riêng về đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội gồm 3 Điều (quy định về nguyên tắc đầu tư, danh mục đầu tư và phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư). Bộ cho rằng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai.

Giải quyết chế độ cho lao động bị nợ đóng bảo hiểm

Trong cùng lĩnh vực bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề cập đến tình trạng các doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Dựa vào số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, số tiền chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm xã hội đã tăng lên đến 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021 và chiếm tỷ lệ 2,69% trên tổng số phải thu (gồm có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang thực hiện thủ tục giải thể hoặc phá sản, đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người lao động).

Tình trạng chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH được cho là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và bước vào thời kỳ suy thoái. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chịu tác động lớn, phải cho người lao động nghỉ việc hoặc ngừng việc do thiếu đơn hàng và khó khăn tài chính, góp phần gây ra tình trạng trên.

Hiện cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được toàn bộ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã góp phần vào tình trạng chậm đóng và trốn đóng bảo hiểm kéo dài. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng trên, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đưa ra văn bản chỉ đạo cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết kịp thời quyền lợi của 206.468 người lao đông nêu trên.

Theo đó, để giải quyết vấn đề chậm đóng và trốn đóng BHXH, cần xem xét và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đối với những người đủ điều kiện (như lương hưu hàng tháng, bảo hiểm xã hội một lần...) và các trường hợp chưa đủ điều kiện nhưng đã đóng bảo hiểm. Khi đó, thời gian đã đóng sẽ được xác nhận để người lao động có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm tại đơn vị mới.

Ngoài ra, để hạn chế tình trạng trên ở tương lai, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang đề xuất sửa đổi và bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm giải quyết vấn đề chậm đóng và trốn đóng BHXH.

Đối với thực trạng hưởng bảo hiểm một lần, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, số người giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021, lên đến 997.470 người.

Giai đoạn từ 2016 đến 2022, đã giải quyết cho khoảng 4,84 triệu người hưởng BHXH một lần. Trong số đó, có 1,24 triệu người quay trở lại đóng BHXH, chiếm tỷ lệ 27,7% số người hưởng.

Để hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra nhiều giải pháp như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động để duy trì việc làm cho người lao động, sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, cần tăng cường phát huy hiệu quả của các chính sách nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính trước mắt của người lao động, chẳng hạn như chính sách hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, sửa đổi các quy định chính sách để phù hợp và gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động tham gia BHXH.


Tin liên quan

Tin mới