Khoa học công nghệ: Nền tảng phát triển sản phẩm OCOP tại Bến Tre

Nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất tỉnh Bến Tre đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Đặc biệt trong việc phát triển sản phẩm OCOP đưa đặc sản địa phương từng bước khẳng định vị thế trên thị trường.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên. Một trong những chương trình trọng tâm là "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), chương trình này đã phát huy hiệu quả thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng của ngành nghề nông thôn, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển sản phẩm chế biến đạt chứng nhận OCOP tỉnh Bến Tre," do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý, đã được triển khai từ ngày 8 tháng 3 năm 2023. Mục tiêu của đề tài này là ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, và an toàn thực phẩm cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận.

Dự án này sẽ hỗ trợ các chủ thể sản xuất OCOP chế biến bằng cách chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, đồng thời tiếp cận phát triển kinh tế số. Các sản phẩm chế biến sẽ được nâng cao về năng suất và chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Ngoài ra, đề tài còn xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, và thiết kế bao bì sản phẩm.

Đề tài nghiên cứu này đã thiết kế và nâng cấp bao bì, nhãn sản phẩm cho 56 sản phẩm và xây dựng hệ thống tài liệu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho 24 cơ sở chế biến. Các tiêu chuẩn này bao gồm HACCP, ISO 22000, ISO 9001, và ISO 14001, đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm OCOP.

Các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh cũng đã được tổ chức, giúp các chủ thể OCOP nắm vững các quy trình sản xuất tiên tiến và kết nối thị trường. Dự án cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP, thông qua các nền tảng như Facebook, tamnongmarket.com, Shopee, Lazada, và bentre.nhanhtay.vn.

Ngoài ra, Bến Tre đã triển khai các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP. Các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, và nhãn hiệu chứng nhận đã được áp dụng, giúp nâng cao giá trị và bảo vệ quyền lợi cho các sản phẩm OCOP của địa phương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đã ứng dụng các giải pháp sinh học và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để kiểm soát sâu bệnh và bảo vệ cây trồng. Đặc biệt, việc nuôi ong ký sinh từ đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn” đã giúp hạn chế thiệt hại trên cây dừa và nâng cao chuỗi giá trị của ngành sản xuất dừa.

Nhằm kết nối giao thương và xúc tiến thương mại, tỉnh Bến Tre đã tổ chức nhiều hội thảo và triển lãm để giới thiệu các sản phẩm OCOP đến tiểu thương và khách hàng. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được trưng bày, giới thiệu và mời dùng thử tại nhiều không gian tổ chức, giúp kết nối được nhiều tiểu thương và người tiêu dùng.

Bến Tre phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó có 30 sản phẩm đạt 5 sao hoặc tiềm năng 5 sao; ít nhất 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng, ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là HTX, 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận.

Với sự hỗ trợ từ khoa học và công nghệ, Bến Tre đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

 


Tin mới