Liên tục đón tin từ Điện gió ngoài khơi và Lô B Ô Môn, cổ phiếu PVS lên cao nhất 11 tháng

VietCap ước tính hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi PVS mới giành được giá trị khoảng 300 triệu USD. Trong khi đó, giá trị hợp đồng Lô B theo ước tính của PVS vào khoảng 1 tỷ USD và bắt đầu ghi nhận doanh thu trong năm nay.

Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán vẫn đang giao dịch giằng co chưa rõ xu hướng nhưng không ít cổ phiếu đã âm thầm bứt phá mạnh. Trong đó, PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) gây chú ý khi liên tục hút tiền mạnh cùng thanh khoản dồi dào.

Cổ phiếu này đã tăng gần 20% từ đầu tháng 5 qua đó leo lên mức 29.500 đồng/cp, cao nhất trong 11 tháng kể từ giữa tháng 6 năm ngoái. So với đáy dài hạn hồi giữa tháng 11 năm ngoái, thị giá PVS đã tăng gần 64%. Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm gần 5.500 tỷ đồng sau nửa năm, lên trên 14.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

Đà tăng của PVS phần nào chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng của giá dầu thế giới. Giá dầu Brent tương lai đã vượt mức 77 USD/thùng nhờ triển vọng nhu cầu vững chắc và nhiều sự gián đoạn từ phía nguồn cung. Theo IEA, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vượt nguồn cung 2 triệu thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm 2023. Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố sẽ mua tới 3 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược đang cạn kiệt, với kế hoạch giao hàng vào tháng 8.

Bên cạnh đó, những tiến triển tích cực trong mảng cơ khí & xây dựng cho các dự án dầu khí và điện gió ngoài khơi của PVS cũng hỗ trợ cho diễn biến giá cổ phiếu. Sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, VietCap nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận sau thuế (LNST) năm 2023 của PVS và không có thay đổi đáng kể nào đối với dự báo LNST trong dài hạn.

Với mảng M&C dầu khí và LNG, tại thị trường trong nước, PVS đã nộp hồ sơ dự thầu tất cả các gói thầu chính của dự án Lô B Ô Môn và đang chờ công bố kết quả đấu thầu. Ban lãnh đạo cho biết hiện dự án Lô B (vốn đầu tư 10 tỷ USD) đang chịu áp lực phải khởi công càng sớm càng tốt do Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện/thiếu khí và cần một thời gian dài để năng lượng tái tạo thay thế các nguồn năng lượng truyền thống.

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có buổi làm việc với Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí Mitsui (MOECO) của Nhật Bản về việc phát triển dự án Lô B. VietCap giả định hợp đồng của PVS tại dự án Lô B trị giá 500 triệu USD và bắt đầu đóng góp vào doanh thu của PVS từ năm 2024. Trong khi đó, PVS ước tính giá trị hợp đồng Lô B là khoảng 1 tỷ USD và bắt đầu ghi nhận doanh thu trong năm nay.

Ngoài ra, PVS kỳ vọng vào các việc làm từ các dự án dầu khí và LNG khác trong nước (Lạc Đà Vàng, Sư Tử Trắng, cảng LNG Thị Vải giai đoạn 2) từ năm 2024. Tại thị trường nước ngoài, PVS cho rằng Trung Đông và Malaysia là thị trường tiềm năng do sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dầu khí toàn cầu.

Với mảng M&C điện gió ngoài khơi, PVS đã giành được hợp đồng M&C để sản xuất 33 chân đế cho các trang trại điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b và Greater Changhua 4 cho Orsted Taiwan Limited – công ty con của Orsted. VietCap ước tính hợp đồng này trị giá khoảng 300 triệu USD. Bên cạnh đó, PVS còn đấu thầu thêm một số dự án M&C điện gió ngoài khơi.

Theo VietCap, PVS có khả năng giành được các hợp đồng M&C điện gió ngoài khơi trị giá khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030. CTCK này thận trọng đưa khoảng 60% giá trị backlog tiềm năng vào dự báo, bao gồm 1,7 tỷ USD cho giai đoạn 2023-2027 và 1,0 tỷ USD cho giai đoạn 2028-2030.

Ban lãnh đạo PVS nhận thấy sự cạnh tranh hạn chế của hai đối thủ chính bao gồm các nhà thầu Hàn Quốc và Đài Loan(Trung Quốc). Mặt khác, ban lãnh đạo PVS cũng cho biết biên lợi nhuận M&C điện gió ngoài khơi thấp hơn một chút so với biên lợi nhuận M&C dầu khí do các thành phần dùng trong các dự án điện gió ngoài khơi được sản xuất hàng loạt và công nghệ đơn giản hơn so với các dự án dầu khí.

Trong một báo cáo mới đây, VNDirect cũng cho rằng Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sẽ thúc đẩy tiến độ các dự án mỏ khí tỷ đô vốn đã bị đình trệ lâu nay như Lô B, Cá Voi Xanh trong những năm tới nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước và giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu LNG cho phát điện tại Việt Nam. Trong dài hạn, PVS dự kiến sẽ được hưởng lợi do tham gia vào lĩnh vực xây lắp điện gió ngoài khơi, với kinh nghiệm trong những dự án gần đây như Thăng Long, La Gàn.

Về liên doanh FSO/FPSO, PVS đã gia hạn hợp đồng FPSO Ruby II đến hết năm 2023 với giá thuê ngày là 92.500 USD. VietCap dự báo giá thuê ngày của FPSO Ruby II là 40.000 USD vào năm 2023. Ngoài ra, PVS cũng đang trong quá trình đàm phán hợp đồng cho FPSO Lam Sơn và FSO Biển Đông và công ty tự tin sẽ thành công trong việc gia hạn các hợp đồng này.


Tin liên quan

Tin mới