Một cổ phiếu BĐS tăng hơn 2 lần chỉ sau 3 tuần, chủ tịch HĐQT mặc sức kiếm lời cả chục tỷ đồng mỗi phiên

Quan sát giai đoạn đầu năm tới nay, cổ phiếu VC7 của Tập đoàn BGI cứ "dập dìu" trong khoảng giá "đáy" trên dưới 7.000 đồng/cp, với thanh khoản từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cổ phiếu trao tay mỗi phiên. Vậy nhưng, "gió đã đảo chiều" từ khi rục rịch bước sang "trung tuần" tháng 5...
Lập kế hoạch lãi lịch sử trong năm 2023, song kết thúc quý I vừa qua, Tập đoàn BGI chỉ ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ 2022 đạt 42,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế không biến động, ghi nhận hơn 450 triệu đồng.
Lập kế hoạch lãi lịch sử trong năm 2023, song kết thúc quý I vừa qua, Tập đoàn BGI chỉ ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ 2022 đạt 42,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế không biến động, ghi nhận hơn 450 triệu đồng.

Lập 'đỉnh'

Giữa lúc thị trường chứng khoán có nhịp hồi phục khá tốt sau vùng thấp từ cuối tháng 4, cổ phiếu VC7 của Tập đoàn BGI gây nhiều bất ngờ với màn trình diễn ấn tượng, thị giá "nhảy dựng" tăng gấp 2 lần chỉ sau 3 tuần ngắn ngủi.

Quan sát giai đoạn đầu năm tới nay, cổ phiếu VC7 cứ "dập dìu" trong khoảng giá "đáy" trên dưới 7.000 đồng/cp, với thanh khoản từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cổ phiếu trao tay mỗi phiên.

Tuy nhiên, khi chỉ rục rịch bước sang "trung tuần" tháng 5, VC7 của Tập đoàn BGI nổi lên như một hiện tượng của ngành bất động sản, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ hàng loạt phiên tăng mạnh. Cũng bởi biên độ tăng rộng của sàn HNX (10%), chỉ trong vòng 3 tuần, cổ phiếu VC7 đã lập "đỉnh" trong hơn 1 năm trở lại đây, tăng "bốc đầu" lên mức 15.200 đồng/cp (kết phiên 31/5).

Đây cũng là thời gian giao dịch sôi động nhất của cổ phiếu VC7 kể từ khi thị trường chứng khoán trở nên trầm lắng vào tháng 4/2022, có phiên ghi nhận đến hơn 1 triệu cổ phiếu "đổi chủ", khác biệt so với những tuần trước đó. Vốn hóa thị trường cũng phình nở thêm hơn 340 tỷ đồng, đạt ngưỡng 730 tỷ đồng, khi vốn điều lệ chỉ 480 tỷ đồng.

Trước diễn biến tích cực của VC7, Chủ tịch HĐQT Hoàng Trọng Đức là người vui mừng nhất vì lượng cổ phiếu ông đang nắm giữ lên đến 19,3 triệu đơn vị, tương ứng 40,21% vốn điều lệ doanh nghiệp. Tính ra, đợt tăng giá "phi mã" giúp vị lãnh đạo cao nhất Tập đoàn BGI kiếm lãi khoảng 160 tỷ đồng, trung bình mỗi phiên giao dịch "bỏ túi" cả chục tỷ đồng.

Trong khi đó, "bà xã" của ông Đức, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cũng đang sở hữu hơn 2,3 triệu cổ phiếu VC7, tương đương 4,92% (tính đến hết tháng 1/2023). Ngoài ra, Tập đoàn BGI còn có 2 cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Ngọc Tài (nắm giữ 9,26%) và ông Nguyễn Đức Hùng - Phó tổng giám đốc (nắm 6,71%), cũng đều có lãi lớn trong kỳ tăng vừa rồi.

Mục tiêu lãi cao nhất lịch sử

Trong diễn biến liên quan, mới đây, Tập đoàn BGI công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều chi tiết đáng chú ý. Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ được khai mạc vào ngày 19/6 tới, tại tòa Vinaconex 7, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Năm 2023, lãnh đạo Tập đoàn BGI có tờ trình cổ đông về kế hoạch kinh doanh khá tham vọng, với tổng doanh thu tăng 127% so với thực hiện năm ngoái, lên 417 tỷ đồng; đặc biệt lợi nhuận sau thuế dự tăng gấp 6,5 lần, đạt trên 85 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cũng lên phương án chia cổ tức ở mức 15%, trong khi năm 2022 bỏ ngỏ khoản chi này. Nhìn chung, nếu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023, Tập đoàn BGI sẽ thiết lập kỷ lục chưa từng có; tương tự, kế hoạch doanh thu của họ cũng đang ở mức cao nhất trong 10 năm gần đây.

Số liệu kinh doanh Tập đoàn BGI giai đoạn 2014 - 2023.
Số liệu kinh doanh Tập đoàn BGI giai đoạn 2014 - 2023.

Để hiện thực hóa những chỉ tiêu trên, Tập đoàn BGI cho biết sẽ tập trung nhanh tiến độ triển khai thi công các dự án trọng điểm, gồm: BGI Topaz Downtown (TP. Huế, quy mô 13,47ha) - dự kiến hoàn thành 100% hạ tầng kỹ thuật; hoàn thiện 107 căn trong tháng 6/2023 và thi công tiếp 103 căn còn lại trong năm.

Dự án BGI Topaz Garden (TP. Huế, quy mô 24,27ha) - dự kiến bàn giao đất trong quý III/2023, đủ điều kiện pháp lý để khởi công vào quý IV/2023.

Dự án Khu dân cư tại Tiểu khu 1 (nay là Tiểu khu 2, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) - đây là dự án có quy mô hơn 10ha, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục liên quan để có thể triển khai khởi công.

Ở khu vực huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, Tập đoàn BGI còn sở hữu dự án nữa là Khu nhà ở nghỉ dưỡng và dịch vụ tổng hợp tại Tiểu khu 1 và Tiểu khu 2, với quy mô gần 9ha, cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị tương tự dự án vừa đề cập.

Bên cạnh đó, Tập đoàn BGI còn đặt mục tiêu khởi công dự án Khu đô thị mới thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trong quý IV/2023. Doanh nghiệp thông tin, quá trình giải phóng mặt bằng dự án hơn 30ha này sẽ hoàn tất vào quý II/2023, tạo tiền đề cho các bước đầu tư, xây dựng kế tiếp.

Kỳ vọng là vậy, song kết thúc quý I vừa qua, Tập đoàn BGI chỉ ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ 2022 đạt 42,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế không biến động, ghi nhận hơn 450 triệu đồng. Như vậy, Tập đoàn BGI còn cách rất xa các chỉ tiêu đề ra.

'Quên' công bố thông tin theo quy định

Tháng 1/2023, Tập đoàn BGI bị UBCKNN phạt 85 triệu đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, do có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Cụ thể, Tập đoàn BGI đã không công bố thông tin theo quy định trên hệ thống của UBCKNN và HNX đối với Quyết định 30/2020/QĐ-HĐQT ngày 21/12/2020 về việc thanh lý tài sản cho bên liên quan - Công ty CP Xây dựng BGI.

Bên cạnh đó, UBCKNN xác định Tập đoàn BGI cũng công bố thông tin không đúng thời hạn trên hệ thống của UBCKNN và HNX đối với các tài liệu: giấy mời họp và tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 (chậm 4 ngày); báo cáo tiến độ sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán tăng vốn điều lệ từ 240,2 tỷ đồng lên 480,4 tỷ đồng (chậm 11 ngày); thay đổi số lượng cổ phiếu lưu hành (chậm 9 ngày); nghị quyết HĐQT số 183/NQ-HĐQT ngày 19/11/2021 về việc thông qua phương án xử lý cổ phiếu lẻ (chậm 2 ngày).

UBCKNN tiếp tục phạt tiền 125 triệu đồng đối với Tập đoàn BGI theo quy định tại Điểm c Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 128/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP do có hành vi vi phạm hành chính: vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo tình hình quản trị công ty mà Tập đoàn BGI đã công bố, trong năm 2020 và 2021, doanh nghiệp đã thực hiện các giao dịch với người quản lý doanh nghiệp, bên liên quan của các đối tượng này bao gồm: Công ty CP Xây dựng BGI, Công ty CP Vật liệu xây dựng BGI, Công ty TNHH IUC Hòa Bình Hill, Công ty CP Tập đoàn IUC, ông Hoàng Trọng Đức (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Đức Hùng (Phó tổng giám đốc) nhưng chưa thông qua HĐQT.

Ngoài Tập đoàn BGI, ông Đức còn lại đại diện pháp luật của Công ty CP TNHH Xây dựng Hiệp Xuân, Công ty TNHH Thiết kế, kiến trúc và thương mại Bằng Lăng, và Công ty TNHH Bất động sản Việt Yên.


Tin liên quan

Tin mới