Ngân hàng thanh lý xe Land Rover, Audi và biệt thự hàng chục tỷ đồng để thu hồi nợ

Hoạt động rao bán nợ, tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu của các ngân hàng diễn ra khá sôi nổi thời gian gần đây.

Hàng loạt tài sản mới được các ngân hàng đem ra thanh lý, đồng thời tiếp tục giảm mạnh giá bán với các tài sản cũ. Đáng chú ý, trong đó có nhiều tài sản cao cấp được chào bán.

Ngân hàng thanh lý xe Audi, Land Rover và biệt thự hàng chục tỷ đồng để thu hồi nợ

Tại BIDV, ngân hàng mới đây thông báo bán căn Biệt thự Hoa Phượng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội để thu hồi nợ. Biệt thự có diện tích 310,0 m2, diện tích xây dựng 110,0 m2, diện tích sàn 436,1 m2. Bất động sản này được chào bán với giá khởi điểm 22 tỷ đồng. Mức giá này đã giảm đáng kể so với mức 26,6 tỷ đồng được chào bán vào tháng 8/2022. Được biết, đây là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của Công ty CP sản xuất điện tử Thành Long.

Bên cạnh biệt thự, ngân hàng cũng đang rao bán nhiều xe sang để thu hồi nợ. BIDV cho biết sẽ đấu giá 2 xe ô tô theo thủ tục rút gọn. Trong đó, chiếc Audi A8L được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe năm 2012 được rao bán với giá khởi điểm 940 triệu đồng. Trong khi đó, chiếc Land Rover Range được cấp giấy chứng nhận đăng ký xe năm 2015 có giá khởi điểm 3 tỷ đồng.

VIB cũng đang thanh lý nhiều xe BMW với giá từ 770 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng. Trong đó, chiếc BMW 730I năm 2016 được rao bán với giá 1,99 tỷ. Chiếc BMW GT 528I năm 2014 được rao với giá 770 triệu đồng. Chiếc BMW 528I năm 2016 có giá 874 triệu đồng.

Trước đó, các ngân hàng cũng rao bán nhiều chiếc xe cũ với giá vài trăm triệu đồng. Chẳng hạn, chiếc Chevrolet Aveo LT 2008 được VIB rao bán với giá 196 triệu đồng; Chevrolet Cruze 2017 có giá là 250 triệu đồng; Toyota Avanza 2018 giá 385 triệu đồng; Chevrolet Colorado LT 2018 giá 369 triệu đồng; Nissan Sunny 2020 giá 250 triệu đồng,...

Theo các chuyên gia, việc rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ của các ngân hàng trong thời gian này sẽ gặp không ít khó khăn do thị trường kém sôi động. Nhu cầu mua bất động sản, xe cộ,…đều có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc về pháp lý khi xử lý nợ xấu chưa được tháo gỡ khiến nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo sau nhiều năm vẫn chưa được xử lý xong. Cũng vì vậy mà các ngân hàng cũng liên tục hạ giá bán các tài sản trong thời gian qua để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu. 


Tin liên quan

Tin mới