Nhiều nguy cơ cho sức khỏe nếu lạm dụng C sủi

Sử dụng viên C sủi là một trong những cách bổ sung vitamin đơn giản được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên cần tránh lạm dụng vì có thể gây tác hại khôn lường.

Nguy cơ khi lạm dụng uống C sủi 

Cơ thể không thể tự sản xuất vitamin C, do đó, mỗi người có thể bổ sung vitamin C thông qua thực phẩm hoặc sử dụng các dạng viên thuốc, viên thực phẩm bổ sung thông qua đường uống. Trong đó, sử dụng viên C sủi là giải pháp được nhiều người ưa chuộng.

Viên C sủi được bào chế dưới dạng viên nén có thành phần chủ yếu là vitamin C được kết hợp với 1 số tá dược khác . Khi gặp nước, viên uống có hiện tượng sủi bọt mạnh, kèm theo khí thoát ra và hòa tan trong nước với thời gian ngắn. Nước C sủi có vị ngọt, chua dễ uống. Hiện nay, viên C sủi được điều chế với nhiều hương vị khác nhau đáp ứng với nhu cầu và sở thích của người dùng.

Việc sử dụng viên uống C sủi không chỉ có tác dụng cung cấp vitamin C cho cơ thể mà còn có nhiều tác dụng khác như: Tăng sức đề kháng; Làm chậm quá trình lão hóa da; Xúc tác cho hệ thống enzyme nhằm tăng cường vận chuyển các chất dinh dưỡng tới các cơ quan của cơ thể; Loại bỏ một số yếu tố, tác nhân gây nguy hiểm cho cơ thể, bảo vệ sức khỏe tim mạch; Thúc đẩy quá trình đào thải độc tố; Hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi và sắt cho cơ thể.

Tránh lạm dụng uống viên C sủi hàng ngày vì có thể gây ra mối nguy hại cho cơ thể. Ảnh minh họa
Tránh lạm dụng uống viên C sủi hàng ngày vì có thể gây ra mối nguy hại cho cơ thể. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia về sức khỏe, nhu cầu sử dụng vitamin C mỗi ngày của cơ thể dao động trong khoảng 60mg. Do đó, nếu quá lạm dụng viên C sủi sẽ gây ra tình trạng dư thừa vitamin C trong cơ thể và gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Sử dụng quá 500mg vitamin C có thể gây ra tình trạng đầy hơi, chướng bụng. Dùng quá 1000mg vitamin C có thể gây ra các vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa, sỏi thận, thừa sắt,...đặc biệt là với liều trên 1000 mg/ngày. Thậm chí còn làm ảnh hưởng tới quá trình chẩn đoán bệnh.

Cụ thể một trường hợp tại Trung Quốc mới đây do lạm dụng uống quá nhiều vitamin C, tác động chống oxy hóa quá mức của chất này khiến kết quả xét nghiệm sai lệch, bệnh ung thư đại trực tràng bị phát hiện muộn.

Theo đó ông Vương, 75 tuổi, ở Lâm Sơn, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc) nghỉ hưu được 10 năm. Cách đây hơn một năm, ông liên tục tiêu chảy, phải đi khám bác sỹ và được chẩn đoán mắc hội chứng ruột kích thích.

Vì tình trạng không cải thiện nhiều, ông Vương thường xuyên tái khám. Bệnh nhân này cho biết, ông rất chú trọng sức khỏe nên sử dụng nhiều loại vitamin, đặc biệt là dùng viên sủi vitamin C mỗi ngày, uống thay nước. Nhiều lần tái khám, thấy cơ thể không khỏe mạnh như trước, ông Vương xin xét nghiệm xem có máu ẩn trong phân hay không. Kết quả kiểm tra luôn bình thường nên bệnh nhân cho rằng chẳng qua mình già rồi nên yếu. Bác sỹ đề nghị nội soi đại tràng để kiểm tra nhưng ông từ chối vì sợ đau đớn, khó chịu.

Gần đây, ông Vương lại đến khám vì tình trạng táo bón nghiêm trọng và đau quặn bụng. Các bác sỹ phát hiện có khối u lớn trong trực tràng. Sau khi nội soi đại tràng và xem xét mẫu bệnh phẩm, họ xác định ông Vương bị ung thư. Nhận kết quả, bệnh nhân cực kỳ choáng váng, thắc mắc rằng ông từng kiểm tra máu ẩn trong phân, tại sao lại không phát hiện bệnh sớm.

Bác sỹ chuyên khoa Trịnh Giới Hào chỉ ra rằng trong tình huống bình thường, việc kiểm tra máu ẩn trong phân định kỳ có khả năng phát hiện sớm ung thư, nhưng do ông Vương tiêu thụ lượng lớn vitamin C vào cơ thể, tác động chống oxy hóa quá mức của vitamin C đã làm cho kết quả kiểm tra bị sai lệch, kết hợp với chuyện ông Vương không tuân thủ khuyến nghị của bác sĩ về việc nội soi đại tràng nên bệnh không được phát hiện sớm.

Qua trường hợp này, bác sỹ Trịnh nhắc nhở mọi người, cần tiêu thụ lượng vitamin C thích hợp, không nên dùng quá mức. Việc kiểm tra máu ẩn trong phân cũng không phải là biện pháp đáng tin cậy tuyệt đối. Nếu tiếp tục có triệu chứng về tiêu hóa, thay đổi thói quen khi đi vệ sinh, ngoài các xét nghiệm thông thường, nên nội soi đại tràng để phát hiện sớm bệnh ung thư.

Cách uống viên C sủi an toàn và hiệu quả 

Để có cách uống viên C sủi đúng cách cần lưu ý chỉ nên uống viên C sủi khi được chẩn đoán thiếu hụt vitamin C hoặc trong thời kỳ bị ốm, cảm cúm. Tốt nhất nên uống viên C sủi vào buổi sáng, và không được uống khi đói. Nếu không uống được buổi sáng thì có thể uống trong ngày, nhưng nên sử dụng trước 16 giờ chiều. Không uống quá nhiều viên sủi C trong một ngày. Đặc biệt là với trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai. 

Liều lượng khuyến cáo là khoảng 60mg. Trong khi đó, những người thường xuyên hút thuốc lá thì chỉ nên bổ sung khoảng 35 mg vitamin C. Đối với trẻ em hoặc những bà bầu thì việc bổ sung vitamin C sẽ dựa trên những chỉ định của các bác sĩ.

Bất cứ loại vitamin C nào cũng cần được bảo vệ ở trong một hộp kín và ở những nơi khô ráo, tránh ẩm. Điều kiện môi trường tốt nhất để bảo quản C sủi là dưới 25oC và không nên để C sủi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Đặc biệt, vitamin C dạng sủi chống chỉ định với những người bị tăng huyết áp. Bởi lẽ, vitamin C ở dạng viên sủi có chứa một hàm lượng lớn Natri - một thành phần có ở trong muối. Theo khuyến cáo, những người bệnh huyết áp cao không nên ăn quá mặn và có chứa nhiều muối để khiến chỉ số huyết áp ngày một tăng cao.

Đối với những bệnh nhân bị thận cũng cần phải kiêng ăn mặn như những bệnh nhân huyết áp cao. Chính vì vậy, những người bị thận cũng cần tránh sử dụng vitamin C ở dạng sủi nhằm mục đích bảo vệ và duy trì sức khỏe ở trạng thái tốt nhất.


Tin liên quan

Tin mới