Nhóm cổ phiếu nào đang "gánh vác" thị trường?

Thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ, những nhóm cổ phiếu nào đang thể hiện được vai trò "gánh vác" thị trường?

Khi bộ 3 thể hiện sức mạnh

Thị trường chứng khoán thời gian gần đây đang thực sự hồi phục, bật tăng mạnh mẽ, bối cảnh đó, bộ ba siêu trụ "ngân hàng - chứng khoán - thép" đang cho thấy sức mạnh khi thay nhau hút tiền trong thời gian gần đây. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi chỉ trong khoảng 2 tháng qua, nhiều cổ phiếu nhóm này đã bật tăng mạnh so với vùng đáy được thiết lập vào tháng 11/2022. Thậm chí, nhiều mã còn ghi nhận mức tăng trên 50% như SSI (68%), HCM (80%), VCI (107%), VND (72%), SHS (119%),...

Cổ phiếu chứng khoán
Cổ phiếu chứng khoán là nhóm có độ "nhạy" cao với thanh khoản của thị trường chung

Được biết, cổ phiếu chứng khoán là nhóm có độ "nhạy" cao với thanh khoản của thị trường chung. Ngay từ tháng 3/2023, khi Ngân hàng Nhà nước có đợt hạ lãi suất điều hành đầu tiên, nhiều cổ phiếu trong nhóm chứng khoán đã bắt đầu phản ứng khá tích cực bởi kỳ vọng thanh khoản được cải thiện, thị trường sẽ hồi phục mạnh mẽ.

Đơn cử như cổ phiếu VND của Công ty CP Chứng khoán VNDirect liên tục gây sốc với mức tăng trần. Gần nhất, trong phiên ngày 6/6 khi tăng trần lên 19.300 đồng/cp, cổ phiếu này đã ghi nhận mức đỉnh mới tính từ đáy thiết lập dưới mệnh giá hồi tháng 11/2022. Vốn hóa thị trường tương ứng tăng lên mức 23.500 tỷ đồng, qua đó đưa VNDIRECT trở lại câu lạc bộ tỷ USD sau gần 9 tháng.

So với thời điểm cuối tháng 4, giá trị vốn hóa của công ty chứng khoán này đã tăng thêm gần 5.800 tỷ đồng, tương đương khoảng 30%. Giao dịch cổ phiếu VND cũng sôi động với khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 52 triệu đơn vị, cao nhất toàn sàn phiên 6/6. Giá trị giao dịch cũng đứng đầu thị trường với gần 1.000 tỷ đồng được trao tay.

Tại nhóm thép, trong hơn một tháng qua, nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ đã âm thầm tăng giá từ 20 - 40%. Chẳng hạn, VGS tăng 41,6% lên mức 17.700 đồng/cp, POM tăng 42,2% lên mức 6.600 đồng, TVN tăng 29,4%, TLH tăng 29,1%. Các mã lớn tăng chậm hơn như NKG tăng 15,5%, HSG tăng 7%, HPG tăng 4,2%.

Đáng chú ý, trong phiên 7/6, nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là mã HPG của "anh cả" Hòa Phát đã bùng nổ với mức khớp lệnh chóng mặt, nhăm nhe vượt đỉnh 9 tháng. Đồng thời, đây cũng là mã dẫn đầu thanh khoản toàn sàn chứng khoán với hơn 55,5 triệu đơn vị được giao dịch.

Diễn biến tích cực này của nhóm cổ phiếu thép nói chung, cổ phiếu HPG nói riêng diễn ra sau khi đón tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, giá thép thế giới cũng đang vận động theo xu hướng tích cực hơn sau khi thủng đáy vào cuối tháng 5. Giá thép thanh vằn tại Trung Quốc đã hồi phục khoảng 5% trong hơn 2 tuần qua, lên mức 3.670 Nhân dân tệ/tấn.

Trong khi đó, dù được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái giảm lãi suất liên tục của Ngân hàng Nhà nước, nhưng thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thực sự có sự bứt phá mạnh. Bởi nếu so với cổ phiếu của nhóm bất động sản, xây dựng, chứng khoán, dầu khí..., cổ phiếu ngân hàng gần như không tăng trong vài tháng qua dù ngân hàng nào cũng lãi từ vài nghìn, thậm chí cả chục nghìn tỷ đồng.

Còn với cổ phiếu ngân hàng, từ đầu tháng 6 đến nay, nhóm này đã cho thấy sức mạnh của "cổ phiếu vua" khi dòng tiền ồ ạt tìm đến giúp nhóm cổ phiếu này liên tục bứt tốc, trở thành "đầu tàu" quan trọng đưa VN-Index vượt mốc 1.100 điểm.

Vẫn cần thêm thời gian?

Trước những tín hiệu khả quan như vậy, thị trường kỳ vọng sự trỗi dậy đồng loạt của bộ ba cổ phiếu nói trên sẽ dẫn dắt VN-Index tiếp tục lên những mốc cao hơn, nhất là nhóm ngân hàng, bởi nhóm này chiếm đến 25% tổng vốn hóa thị trường cùng tỉ lệ doanh nghiệp niêm yết cao nhất trên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường của Chứng khoán BSC cho rằng, điều này rất khó xảy ra trong thời điểm hiện nay. Trên lý thuyết thì những ngành có độ nhạy với lãi suất cao như nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản sẽ bật tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng trưởng bền vững của các nhóm cổ phiếu còn phải dựa vào thông tin hỗ trợ và yếu tố cơ bản. Bởi vậy, ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán, hai nhóm còn lại chưa có yếu tố hỗ trợ đủ mạnh, chủ yếu đi lên nhờ yếu tố tâm lý.

Thực tế, nhóm chứng khoán có động lực hồi phục vì thanh khoản thị trường cải thiện rõ rệt. Tính chung một tháng trở lại đây, giá trị khớp lệnh trung bình trên HoSE đạt gần 11.000 tỷ đồng và vẫn đang dần trở nên tích cực bởi dòng tiền của nhà đầu tư trong nước bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhóm ngành này có hệ số beta cao, giá thường tăng nhanh, giảm sốc theo xu hướng thị trường chung, trong khi hiện tại vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Trong khi đó, việc giá thép liên tục giảm do nhu cầu yếu, giá nguyên liệu lại tăng, khiến doanh nghiệp ngành thép khó có thể có lãi trong quý II/2023, thậm chí đối mặt với nguy cơ thua lỗ.

Chứng khoán VNDirect dự báo, tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một chữ số vào năm 2023, do nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng.

Mặt khác, cú hích từ đầu tư công sẽ không mang lại cho doanh nghiệp ngành thép lợi nhuận như kỳ vọng, ngay cả Hòa Phát cũng không ngoại lệ.

"Tỷ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10-15% và hiện nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm, vì vậy kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ khó hồi phục mạnh trong năm nay", Chứng khoán Rồng Việt nhận định.

Còn về nhóm ngân hàng, các chuyên gia của FiinGroup cho rằng, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2023 đang chịu ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: Thu nhập từ lãi dự kiến kém đi vì tín dụng tăng thấp và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) khó có thể tăng do cạnh tranh cho vay các nhóm khách hàng tốt. Thu nhập từ hoạt động khác, chủ yếu là hoạt động bán chéo bảo hiểm, cũng tăng thấp. Áp lực trích lập dự phòng tăng lên khi chất lượng tài sản suy yếu do hệ lụy từ những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Trước những rủi ro, nhà đầu tư vẫn e dè, chưa thực sự đặt niềm tin vào nhóm ngân hàng, vì vậy để nhóm này bứt phá vẫn cần thời gian. "Định giá cổ phiếu ngân hàng không hề rẻ, đã lên đến 15, 16 lần. Trong khi đó, triển vọng năm nay không quá sáng sủa nên nhóm này không thể "cân" thị trường”, chuyên gia BSC nhấn mạnh.


Tin liên quan

Tin mới