Rà soát việc nộp thuế của Grab tại Việt Nam

Theo các nguồn tin, phía Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào ở Việt Nam dù hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Mới đây, Bộ Tài chính đã nhận được một số câu hỏi liên quan tới việc chấp hành nghĩa vụ của hãng gọi xe công nghệ Grab tại Việt Nam trong khuôn khổ họp báo thường kỳ quý II tổ chức ngày 16/6, theo Zing News.

Theo đó, Công ty TNHH Grab là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam được 9 năm. Giai đoạn mới tiến vào thị trường, doanh thu của Grab năm 2014 chỉ ghi nhận 1,5 tỷ đồng. Song đến năm 2022, chỉ tiêu tài chính này đã tăng lên 6.384 tỷ đồng.

Đáng nói, phía Grab chưa phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào ở Việt Nam dù hàng năm vẫn chuyển hàng trăm tỷ đồng phí bản quyền, quản lý... cho hai công ty liên quan là GrabTaxi Holdings Pte Ltd (trụ sở ở Singapore) và Grab Inc (trụ sở ở Đảo Cayman, Anh).

Điều này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm rà soát nghĩa vụ nộp thuế đối với Grab ở Việt Nam của Tổng cục Thuế, cũng như tính hiệu quả của các biện pháp chống chuyển giá, ngăn thất thu thuế hiện nay của Bộ Tài chính đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Sau thông tin này, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết sẽ trao đổi với Cục thuế TP.HCM để chỉ đạo Chi cục thuế số 7 - Nhà Bè (đơn vị quản lý Công ty TNHH Grab) rà soát, đánh giá về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty TNHH Grab, đồng thời báo cáo ngay với Cục thuế TP.HCM để chuyển báo cáo lên Tổng cục Thuế.

Rà soát việc nộp thuế của Grab tại Việt Nam
Các đơn vị có liên quan sẽ rà soát việc nộp thuế của Grab tại Việt Nam. 

Trước đó, dữ liệu từ Báo Đầu tư cho biết năm 2022, Grab Việt Nam đạt doanh thu 6.384 tỷ đồng, lãi trước thuế 329 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai Grab Việt Nam có lãi sau 9 năm hoạt động tại Việt Nam, từ tháng 2/2014. Trước đó, lần lãi đầu tiên của Grab Việt Nam là vào năm 2020, đạt 243,4 tỷ đồng.

Hiện công ty có trụ sở tại Singapore đang chiếm 70% thị phần gọi xe tại Việt Nam, có 30 triệu khách hàng, hoạt động trong các lĩnh vực như giao đồ ăn nhanh, giao hàng, đi chợ hộ, taxi,…

Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là một trong số các thị trường tập đoàn Grab hoạt động. Trên phạm vi toàn tập đoàn, Grab vẫn đang trên đường tìm kiếm lợi nhuận. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Grab cho thấy công ty đạt 1.433 triệu USD doanh thu, tăng 112% so với năm trước đó.

Năm 2022, Grab lỗ 1.740 triệu USD, cải thiện 51% so với cùng kỳ. EBITDA điều chỉnh cả năm 2022 của Grab âm 793 triệu USD cải thiện 6% so với mức âm 842 triệu USD vào năm 2021.

“Năm 2023 chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển một cách bền vững bằng cách thúc đẩy hiệu quả chi phí trong toàn tập đoàn, đồng thời cải thiện tỷ suất lợi nhuận trong khi vẫn thận trọng với nguồn vốn của mình. 

Chúng tôi đang đẩy nhanh triển vọng hòa vốn của tập đoàn trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh mục tiêu là quý IV/2023, sớm hơn kỳ vọng trước đây là vào nửa cuối năm 2024”, Peter Oey, Giám đốc tài chính của Grab cho biết.


Tin liên quan

Tin mới