Siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm ở Hà Nội

Thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo an toàn được tuồn vào thị trường qua nhiều phương thức khác nhau và đa dạng chủng loại cần có những giải pháp căn cơ để chặn đứng những hành vi vi phạm.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm nổi cộm trên địa bàn. 

Liên tiếp thu giữ lượng lớn thực phẩm 'bẩn'

Với quyết tâm giữ thị trường trong sạch, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng, trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023” tính từ 15/4/2023 đến 15/5/2023, các Đội QLTT thuộc Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 175 vụ; phạt hành chính trên 1,6 tỷ đồng; xử lý buộc tiêu hủy tang vật, hàng hóa vi phạm là thực phẩm các loại trị giá gần 1,4 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 13/4, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Mê Linh kiểm tra kho lạnh thuộc Công ty CP sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đóng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh.

Thực phẩm 'bẩn' bủa vây người tiêu dùng cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Ảnh: Cục QLTT  Hà Nội
Thực phẩm 'bẩn' bủa vây người tiêu dùng cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Ảnh: Cục QLTT  Hà Nội 

Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 2.579 thùng móng giò lợn đông lạnh đã hết hạn sử dụng, có tổng trọng lượng 51.589kg, trị giá hàng hóa trên 1,1 tỷ đồng. Quá trình làm việc xác minh, Đoàn kiểm tra, phát hiện Công ty Nam Khải Phú đã đưa ra lưu thông 103 thùng móng giò lợn đông lạnh vi phạm, với tổng trọng lượng 2.060kg, trị giá hàng hóa 43,9 triệu đồng.

Trong hai ngày 9 và 10/5/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Công an quận Bắc Từ Liêm, Đội Quản lý thị trường số 22, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TP Hà Nội - liên tiếp phát hiện, thu giữ và xử lý hơn 1 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tháng 6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an huyện Hoài Đức kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh cửa hàng thương mại Phương Trang (số 44, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù) thu giữ hơn 2.500 chân, cánh gà nhập lậu.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này đang kinh doanh thực phẩm là chân, cánh, đùi gà đóng gói sẵn. Hàng hóa gồm: 750 gói cánh gà (25gam/gói); 240 gói đùi gà (35 gam/gói); 2.400 gói chân gà (32gam/gói), tổng trị giá trên 20 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất, trên hàng hóa có nhãn ghi bằng chữ nước ngoài. Ông Đỗ Thiện Phương - chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa này.

Làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành, ông Phương trình bày, toàn bộ số hàng hóa trên là chân gà, cánh gà, đùi gà đóng gói sẵn do nước ngoài sản xuất. “Tôi vừa mới mua từ một người không rõ địa chỉ, số điện thoại đến cửa hàng của tôi chào hàng nên không có hóa đơn chứng từ gì”, ông Phương khai nhận.

Còn vào chiều ngày 12/06/2023, Đội Quản lý thị trường số 9 - Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Tây Hồ kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại địa chỉ số 4 đường nước Phần Lan, quận Tây Hồ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở đang kinh doanh 975kg cánh gà đông lạnh được đóng trong 65 bao tải dứa, không rõ nguồn gốc, đã biến đổi màu sắc…

Tăng hình thức xử phạt

Từ đầu năm đến nay, nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, rõ ràng để quản lý tốt hơn vấn đề an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh thực phẩm “bẩn”.

Thực tế, gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả.

Bên cạnh các chế tài xử phạt, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Cần có những giải pháp căn cơ hơn, chặn vi phạm từ “gốc”, tránh tình trạng người tiêu dùng thấp thỏm về nguồn gốc của sản phẩm.

Song song đó, các đơn vị cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Quan trọng nhất là cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại cũng như cách nhận biết ban đầu về thực phẩm bẩn, từ đó hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.

Trước vấn nạn nhức nhối trên, tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Chính phủ, theo đó cho phép Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội có thể lập Sở An toàn thực phẩm. Bộ Tư pháp lý giải đề xuất thành lập sở chuyên trách an toàn thực phẩm dựa trên yêu cầu thực tiễn.

Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở trung ương thuộc các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, trong đó Bộ Y tế chủ trì, tham mưu. Tương tự, các địa phương có 3 Sở quản lý lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc 3 ngành cùng quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm dẫn đến chồng chéo trách nhiệm, phối hợp chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp và nhiều kẽ hở. Do vậy, tháng 11/2022, Ban Bí thư yêu cầu sớm thống nhất một đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm từ trung ương tới địa phương.

Như vậy, Hà Nội có thể là địa phương thứ hai lập Sở An toàn thực phẩm sau TP HCM, nếu đề xuất của Bộ Tư pháp được thông qua.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về "Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Theo đó, chương trình nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường nguồn lực, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và thực hành về an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm chất lượng, an ninh, an toàn thực phẩm; phòng, chống có hiệu quả ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm, chủ động xử lý kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn; kiểm soát tốt an ninh, an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe người dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Đồng thời, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; duy trì, ổn định chuỗi cung thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thực phẩm được sản xuất tại Hà Nội và kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và sản phẩm thực phẩm nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách; Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với từng công đoạn của "Chuỗi cung cấp thực phẩm"; chú trọng các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở kinh doanh dịch vụ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ… Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm.


Tin liên quan

Tin mới