Sự khởi sắc bất ngờ của chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ khởi đầu năm 2023 trong ảm đạm, khi kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tác động tiêu cực đến nền kinh tế và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lạm phát cao kéo dài, một cuộc khủng hoảng ngân hàng, những tranh cãi về trần nợ và triển vọng lãi suất vẫn có khả năng tăng cao hơn đã khiến những nhà đầu tư lạc quan nhất cũng phải bất an trong nửa năm qua.

Nhưng vào giai đoạn giữa năm 2023, tâm lý của giới đầu tư đã đảo ngược và lạc quan rõ nét khi những báo cáo cho thấy nền kinh tế vẫn “khỏe mạnh” hơn dự kiến đầu năm. Lợi nhuận doanh nghiệp vượt kỳ vọng, lạm phát dịu đi dù tốc độ chưa cao. Và các nhà hoạch định chính sách đã phát tín hiệu rằng họ kỳ vọng lãi suất sớm đạt đỉnh. 

Khi những ám ảnh của các nhà đầu tư về một cuộc suy thoái vẫn chưa có dấu hiệu thành hình, họ càng lạc quan thêm. Nhưng giữa những kỳ vọng vẫn xen lẫn những đánh giá thận trọng khi vẫn tồn tại những yếu tố rủi ro. 

Sự khởi sắc bất ngờ của chứng khoán Mỹ

Sau năm 2022 nhiều biến động, chỉ số S&P 500 đã tăng 15,9% từ đầu năm, sự khởi đầu mạnh mẽ của chỉ số S&P500 có thể mang lại những hỗ trợ không nhỏ cho thị trường chứng khoán Mỹ trong nửa sau năm 2023. Ngay cả những chỉ số nhỏ hơn gồm các công ty dễ bị tác động hơn bởi những thăng trầm của kinh tế, cũng bắt đầu tham gia đợt tăng này.

Thay vì lo lắng về một cuộc suy thoái - điều sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và kéo giá cổ phiếu đi xuống, giới đầu tư bắt đầu tin rằng doanh thu của các công ty đang tăng trở lại.

Nhà phân tích tại công ty theo dõi và nghiên cứu thị trường FactSet - ông John Butters cho biết, với những kỳ vọng về sự phục hồi trong tăng trưởng doanh thu, nhà đầu tư cần thận trọng theo dõi nhận định về triển vọng vài quý tới do các doanh nghiệp cung cấp trong báo cáo tài chính của mình.

Hiện, các nhà quản lý ngân hàng sẽ có một quý để phân tích tác động từ tình trạng hỗn loạn hồi tháng 3. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây cũng cảnh báo xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ diễn ra.

Nhà đầu tư cũng có cơ hội lắng nghe ý kiến từ một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ sự "hưng phấn" với công nghệ AI.

Cổ phiếu Nvidia, công ty được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ sự “hưng phấn” với AI, đã tăng giá hơn 180% từ đầu năm. Mức tăng ấn tượng đã giúp giá trị thị trường của công ty tăng thêm hơn 600 tỷ đô la Mỹ và biến nhà sản xuất chip thành một trong số ít thành viên của "câu lạc bộ" có vốn hoá thị trường trên 1.000 tỷ đô la Mỹ.

Apple, công ty lớn nhất nhóm chỉ số S&P 500, cũng chạm cột mốc kỷ lục trên thị trường tuần này khi trở thành công ty đầu tiên có giá trị thị trường hơn 3.000 tỷ đô la.

Tuy nhiên, trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý II năm 2023, chuyên gia thận trọng lưu ý về tâm lý lạc quan của thị trường chứng khoán đang dựa trên một nền tảng không chắc chắn.

12 tháng trước, giới đầu tư lo ngại lạm phát cao kỷ lục có thể kéo dài và quyết tâm kiểm soát giá cả của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đi quá xa, đẩy kinh tế vào suy thoái và làm đảo lộn thị trường tài chính.

Hiện tại, dù các số liệu kinh tế mạnh mẽ đã xoa dịu những lo ngại về suy thoái, nhưng lạm phát tại xứ cờ hoa vẫn cao. Nếu lạm phát không giảm đủ nhanh, Fed có thể giữ lãi suất cao trong thời hạn lâu hơn rồi từ đó siết chặt nền kinh tế thêm nữa.

Lãi suất tăng vọt có thể hạn chế người tiêu dùng vay tiền và chi tiêu. Khi chi phí vay tăng, các cá nhân ít có khả năng chấp nhận các khoản vay mới. Việc giảm chi tiêu của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng xấu đến thu nhập và lợi nhuận doanh nghiệp, dẫn đến giá cổ phiếu giảm.

Rủi ro lạm phát dẫn đến Fed duy trì quan điểm “diều hâu” ngay cả khi đã tạm dừng tăng lãi trong cuộc họp tháng 6. Nửa cuối năm 2023 có thể cho thấy sự biến động do tác động của các đợt tăng lãi trước đó đối với thu nhập của các doanh nghiệp, nhu cầu người tiêu dùng và tốc độ tăng GDP của Hoa Kỳ.


Tin liên quan

Tin mới