Tăng cường chuyển đổi số, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành chăn nuôi lợn

So với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang "sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu". Nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn, cần tăng cường chuyển đổi số, đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản trị chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) Phùng Đức Tiến tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 27/7/2023 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm các chủng loại như: thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Bỉ, Pháp, Lào... Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 ngàn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 84,6 triệu USD. Ngoài lợn thịt đã giết mổ, Việt Nam còn xuất khẩu hơn 536,7 ngàn con lợn sữa đã qua giết mổ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh đạt hơn 19 ngàn tấn, trị giá đạt hơn 18,4 triệu USD, tăng 103,0% về lượng và tăng 117,0% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chính là Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia…, trong đó Hồng Kông là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu, tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất được 6.833 con.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang "sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu, đặc biệt xuất khẩu thịt lợn, sản phẩm chế biến từ thịt lợn chiếm tỷ trọng rất thấp”.

Thực tế, chăn nuôi lợn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao, đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu để sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, còn lại 65% phải nhập khẩu.

Nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bền vững, tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần phải chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, đặc biệt nguồn phụ phẩm công, nông nghiệp, nguyên liệu có thể cạnh tranh như phụ gia, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học… để chủ động nguồn cung nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, giảm chi phí nhập khẩu và giảm giá thành sản xuất.

Tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi trong chăn nuôi, giảm chi phí trung gian. Thay đổi tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tư duy sản xuất có sự liên kết, tạo ra những liên minh của những nhà sản xuất đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Phát triển chăn nuôi lợn gắn với vùng sản xuất thức ăn, giết mổ, chế biến, chế biến sâu và thị trường. Tăng cường giết mổ, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi từ thịt lợn để nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

Đặc biệt, cần tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao vào chăn nuôi lợn; đồng thời đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý nhà nước và quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 41.480 tấn thịt lợn, giảm 8% về lượng so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu thịt lợn nhiều nhất từ Nga khi 5 tháng đầu năm nay đạt 20.700 tấn, trị giá hơn 46,7 triệu USD. Nhập khẩu thịt lợn từ Brazil đạt hơn 8.000 tấn, trị giá 17,7 triệu USD; từ Hà Lan hơn 6.600 tấn, trị giá hơn 7,8 triệu USD; từ Đức gần 14.500 tấn, trị giá hơn 18,6 triệu USD. Ngoài ra, Việt Nam đang nhập khẩu thịt lợn từ Tây Ban Nha, Ba Lan, Canada.

 


Tin liên quan

Tin mới