Thiên hạ cười vì Metaverse lỗ chục tỉ, Mark Zuckerberg ‘cười lại’ vì điều ấy quá bình thường

Metaverse không phải canh bạc sống còn của Mark Zuckerberg, chẳng qua truyền thông đã đồn thổi nó quá mức.

Ảnh minh họa

Cuối cùng Mark Zuckerberg cũng đã phải từ bỏ Metaverse vì công ty đã lỗ cả chục tỉ USD chỉ trong vòng 2 năm vừa qua. Dù vẫn sẵn sàng đi tiếp trong cuộc chơi thực tế ảo, Mark Zuckerberg vẫn phải dừng lại do áp lực của cổ đông. Vị CEO này có hơn 50% quyền biểu quyết tại Meta nhưng như vậy không có nghĩa anh ta muốn làm gì cũng được. Vì thiếu lòng tin vào công ty, các nhà đầu tư đã đồng loạt bán phá giá cổ phiếu, khiến từ cuối năm 2021 đến cuối năm 2022, giá trị của Meta đã giảm mạnh 77%, vốn hóa thị trường bay hơn mất 800 tỉ USD.

Vì sao Mark Zuckerberg ‘đâm đầu’ vào Metaverse?

Câu chuyện về Metaverse phải truy ngược lại từ 10 năm về trước. Năm 2014, Facebook mua lại Oculus với giá 2 tỉ USD để tiến những bước đầu tiên vào công nghệ thực tế ảo. Facebook không phải người chơi duy nhất vì hồi đó nhiều công ty lớn khác như Samsung, Sony cũng tỏ ra háo hức trước thứ công nghệ tương lai này. Nhưng sau nhiều năm, hầu như ai cũng rút dần hoặc giảm đầu tư vì nó chưa thể áp dụng rộng rãi. Thấy lắm cảnh báo đỏ là thế nhưng Mark Zuckerberg vẫn tiếp tục lao theo và đổ không ít tiền vào thực tế ảo.

Tuy nhiên, phải đặt quyết định của Mark Zuckerberg vào đúng bối cảnh ta mới thấy đó không hẳn là một lựa chọn hồ đồ. Ngay từ những năm 2010, Mark Zuckerberg đã nhanh nhạy nhận ra rằng mạng xã hội là một thứ rất bấp bênh, hở ra là sẽ có đối thủ mới ngay lập tức, ví dụ như Instagram, Snapchat, tiếp theo là TikTok và giờ đây có thể sẽ là BeReal. Việc Facebook bị thay thế chỉ là vấn đề thời gian.

Ban đầu, Facebook xử lý rủi ro này bằng cách vung tiền mua lại những cái tên mới nổi. Công ty mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD và Whatsapp với giá 19 tỉ USD. Nhưng tiền chỉ giúp Mark Zuckerberg giải quyết được đến đó. Chẳng bao lâu, các công ty khác bắt đầu từ chối bán lại cho Facebook, điển hình như Snapchat đã ‘nói không’ với con số 3 tỉ USD.

Thấy không thể cứ mua lại là xong, Mark đổi chiến lược sang bắt chước những công ty khác, học lỏm những tính năng đang thịnh hành thay vì tự thử nghiệm các ứng dụng mới. Ví dụ như cuối năm 2012, Facebook giới thiệu tính năng Poke (‘Chọc’, ‘Huých’) giống y sì với Snapchat, mặc dù sau đó nó thất bại thảm hại. Gần đây, Facebook cũng đưa ra tính năng Stories và Reels, tuy có thành công nhưng không có nghĩa là sẽ lật đổ được Snapchat hay Tiktok.

Ảnh minh họa

Mua lại không được, sao chép cũng không xong, Mark Zuckerberg nhận thấy rằng cách duy nhất để đạt tới thành công kiên cố là xây dựng nền tảng để đón đầu Internet của tương lai, đó chính là thực tế ảo Metaverse.

‘Chết’ vì phần cứng quá yếu?

Metaverse có khởi đầu tương đối sáng sủa. Oculus thời đó là cái tên được nể nang nhất trong mảng thực tế ảo. Tuy nhiên, với cái giá 600 USD đắt đỏ, chiếc kính thực tế ảo Oculus Rift không thể nào tiếp cận đại chúng. Chưa kể, Oculus Rift phải được kết nối qua dây với máy tính mới chạy được. Bạn kết nối với chiếc laptop ‘cùi bắp’ của mình cũng được thôi nhưng nếu muốn trải nghiệm thực tế ảo cho ra tấm ra món thì phải sắm một dàn PC cấu hình cao trị giá hàng nghìn đô.

Mark Zuckerberg đã giải quyết vấn đề này, cho ra mắt Meta Quest 2 với giá tầm 300, 400 USD và không cần cắm vào máy tính. Sở dĩ có cái giá rẻ hơn cả một chiếc game console là vì Meta đã cắn răng chịu lỗ nặng, cốt sao có người mua và sử dụng đã còn kiếm tiền thì về sau không thiếu gì cách. Đúng như dự đoán, Meta đã bán được gần 20 triệu bộ kính thực tế ảo.

Nhưng công ty không ngờ rằng, người ta chỉ mua, thử vài ngày rồi để bám bụi trong tủ, đơn giản là vì trải nghiệm dở tệ. Đã gọi là ‘thực tế ảo’ thì phải mang lại được những trải nghiệm ‘thực tế’. Mà muốn thế thì phải cần đến bộ xử lý đồ họa thật khủng kèm bộ tản nhiệt khỏe cỡ động cơ máy bay. Còn nếu chỉ trải nghiệm với phần cứng khiêm tốn cỡ con chip iPhone thì người ta chán là đúng. Do hạn chế phần cứng nên Meta còn không làm nổi chân cho nhân vật người dùng.

Ảnh minh họa

Meta kỳ vọng sản phẩm sẽ giúp giới văn phòng họp mặt ảo mà cảm giác vẫn chân thật. Nhưng với đồ họa như hoạt hình trẻ con với cái giá cắt cổ, các công ty thà dùng Teams và Zoom còn hơn.

Bất chấp những phản hồi tiêu cực, Meta vẫn tiếp tục tung ra bộ kính cao cấp hơn là Meta Quest Pro với giá 1.500 USD dù danh tiếng công ty đã bị hao hụt. Kết quả là Meta Quest Pro đã không được đón nhận, công ty vội hạ giá xuống còn 500 USD chỉ sau vài tháng ra mắt.

Metaverse bị đóng cửa, đây mới là nguyên nhân thật sự

Tiền mất, tiếng mang, Meta đành bỏ cuộc, đóng cửa Metaverse và sa thải bớt nhân viên. Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn là Mark Zuckerberg đang bị thu hút bởi một canh bạc mới: trí tuệ nhân tạo (AI). CTO Meta là Andrew Bosworth cho biết gần đây Mark và đội ngũ đang chủ yếu dành thời gian nghiên cứu AI mà cụ thể là AI sáng tạo. CTO này cũng tiết lộ rằng cuối năm nay, Meta sẽ tung ra một sản phẩm AI thương mại.

Thật ra Metaverse không phải canh bạc đầu tiên của Mark Zuckerberg. Trước đó, Mark Zuckerberg còn thử nghiệm cả mảng hàng không vũ trụ, ra mắt drone chạy bằng năng lượng mặt trời, xây dựng mạng lưới Internet bằng vệ tinh khí quyển giống như Starlink. Nhưng thấy không tiềm năng mà SpaceX cũng đang bắt tay làm ý tưởng đó rồi, Zuckerberg đã thẳng tay dẹp bỏ chương trình và chuyển sang Metaverse. Nếu lần này Mark Zuckerberg làm điều tương tự với Metaverse thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Metaverse hướng tới người tiêu dùng đại chúng nhiều hơn dự án không gian kia nên được truyền thông chú ý và đồn thổi nhiều hơn, khiến người ta tưởng đây là một ‘canh bạc sống còn’ của Mark Zuckerberg. Nhưng đối với Meta, đó chỉ là một trong nhiều thử nghiệm để tìm lối đi mới ngoài mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, Meta không hoàn toàn dẹp bỏ Metaverse mà vẫn tiếp tục đầu tư thêm nguồn lực, chỉ là nhỏ giọt hơn rất nhiều mà thôi.

Ảnh minh họa

Nói tóm lại, Meta đã trở thành một công ty mạng xã hội trưởng thành và chỉ có hai lựa chọn trước mắt: tiếp tục duy trì vị thế ông lớn trong ngành hoặc đi tắt đón đầu công nghệ tương lai. Mark Zuckerberg đã tỏ rõ rằng lựa chọn thứ nhất hoàn toàn nằm trong tầm tay công ty, điều anh ta muốn là đưa Meta lên hẳng một tầm cao mới. Mới chỉ 38 tuổi mà đã nắm trong tay công ty lớn thứ 8 thế giới, vị CEO này không thiếu thời gian và tiền bạc để thử nghiệm. Vậy mới nói, thiên hạ cười vì Metaverse đã ‘thua keo này’, nhưng Mark có khi mới là người cười cuối cùng vì còn dư sức ‘bày nhiều keo khác’.


Tin liên quan

Tin mới