Tốc độ phát triển thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá nhanh nhất Đông Nam Á

Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia vừa công bố gần đây cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia công bố gần đây cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã nổi lên là 2 thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Báo cáo nêu bật việc Việt Nam vượt qua Philippines để trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ ba trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam và Thái Lan dẫn đầu quỹ đạo tăng trưởng, với GMV lần lượt tăng 52,9% và 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 16 - 30% trong 4 năm qua, cao nhất thế giới. Còn theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý II⁄2024 ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024 doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử này đạt 71.200 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,6 % so với quý I/2023. Con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Tại Việt Nam, TikTok Shop nắm giữ 24% thị phần, trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ hai.

Báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á của tổ chức OpenGov Asia đã xác định một số hướng chính trong ngành thương mại điện tử tại khu vực trong thời gian qua gồm:

Thứ nhất, KOL (người có sức ảnh hưởng) bán hàng trực tuyến là những người có khả năng điều hướng thị trường thương mại điện tử tại ba thị trường là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Thậm chí, chỉ một phiên livestream với KOL có thể đạt doanh thu hàng triệu USD.

Thứ hai, các nền tảng trong khu vực đã bắt đầu áp dụng các ứng dụng AI sáng tạo, đặc biệt là về trải nghiệm người dùng và hiệu quả hoạt động.

Thứ ba, các nhà bán hàng cũng đang phải đối mặt với áp lực của các nền tảng tìm nguồn cung ứng dịch vụ chuyển phát bưu kiện. Như OpenGov Asia đã báo cáo Việt Nam đang tăng cường nỗ lực phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới như một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, hướng dẫn và giải pháp đổi mới. Lĩnh vực này đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường trong khoảng thời gian từ 2022-2025, với dự báo cho thấy mức tăng trưởng hàng năm là 20% cho đến năm 2026.

Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động quốc tế, với số lượng sản phẩm xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử quốc tế tăng 300% và nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD. Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững trong thương mại điện tử.

Đánh giá về bức tranh thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đồng hành trong hành trình ứng dụng thương mại điện tử và vươn ra thị trường quốc tế.

Cụ thể, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15-5-2020 về việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực là một trong những nội dung quan trọng. Cùng đó là Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối hàng hóa toàn cầu, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tuyến là một giải pháp cốt lõi.

Để thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Bộ Công Thương giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thực hiện nhiệm vụ triển khai Đề án xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành. Đặc biệt, từ chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh trên thương mại điện tử. Nhờ vậy, mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin đã góp phần đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu

 

 


Tin mới