Trồng lúa theo quy trình nghiêm ngặt để giảm phát thải, bán tín chỉ carbon

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, việc trồng lúa giảm phát thải, bán tín chỉ carbon người nông dân và doanh nghiệp cần hiểu và tham gia vào các quy trình canh tác bền vững, quy trình trồng nghiêm ngặt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vừa yêu cầu Cục Trồng trọt và các cơ quan liên quan cần có phương án truyền thông để giúp người dân hiểu rõ được những lợi ích khi áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải khi trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ trưởng, áp dụng quy trình canh tác này sẽ giúp người sản xuất giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận đáng kể so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, việc giảm phát thải, bán tín chỉ carbon chỉ là giá trị gia tăng..

Điều đáng nói, nông dân không chỉ giảm được chi phí đầu vào, tăng được giá bán lúa mà còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon. Ở nước ta có 7,1 triệu ha lúa. Không chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà nhiều địa phương cũng muốn trồng lúa phát thải thấp tiến tới bán tín chỉ carbon. 

Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam trên cây lúa. Theo đó, nông dân tham gia dự án chuyển đổi được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến, điển hình nhất là "1 phải, 5 giảm": Phải sử dụng giống lúa xác nhận, giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Ông Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới cho biết, dự kiến của ngân hàng với Bộ NN&PTNT, trong năm 2024 có thể cấp chứng chỉ carbon đầu tiên cho những nông dân trồng lúa phát thải thấp và hy vọng dòng tiền từ việc mua bán tín chỉ carbon sẽ đến với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long từ năm nay.

Chia sẻ cụ thể hơn về trồng lúa giảm phát thải thấp, ông Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, ngoài bán thóc, để thu được tiền tín chỉ carbon, người trồng lúa và doanh nghiệp cần hiểu và tham gia vào các quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải.

Cụ thể, phải giảm giống, vật tư nông nghiệp, chuyển đầu vào từ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học sang một phần vi sinh và hữu cơ, bắt buộc áp dụng tưới ngập khô xen kẽ và lấy rơm ra khỏi đồng ruộng. Trong đó, ngập khô xen kẽ và lấy rơm rạ khỏi đồng ruộng là 2 giai đoạn có thể tạo ra nhiều tín chỉ carbon hơn các giai đoạn khác.

Ngoài ra, nông dân hay doanh nghiệp còn phải thực hiện cải tiến quy trình sản xuất và lắp đặt hệ thống thẩm định giảm phát thải. Nếu nông dân sạ lúa từ 120-150kg giống/ha giảm xuống 80kg giống/ha, quản lý nước trên ruộng bằng hệ thống đo mực nước đến khi nào mực thủy cấp âm 15-19cm mới tiếp tục bơm nước (như vậy giảm từ 2-3 lần bơm nước /vụ).

Biện pháp này giúp mặt ruộng khô nứt làm giảm quá trình sản sinh ra khí metan (CH4) trong canh tác lúa, quản lý rơm rạ bằng cách không đốt đồng, lấy rơm ra để trồng nấm, ủ phân compost và thay đổi cách quản lý rơm rạ như dùng vi sinh phân hủy.... Với quy trình canh tác này, tưới ngập khô xen kẽ, thu rơm rạ sau khi thu hoạch lúa ra khỏi đồng ruộng và giảm lượng lúa gieo sạ là những công đoạn góp phần giảm lượng phát thải lớn nhất.

Bên cạnh đó, nông dân hay doanh nghiệp cần thuê công ty thẩm định và chứng nhận quy trình và số lượng phát thải nhà kính giảm, cấp chứng nhận về tín chỉ carbon. Lúc này các doanh nghiệp, nông dân tham gia có thể bán tín chỉ carbon và thu tiền về, ông Hải chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nếu không có gì thay đổi, đến tháng 8 năm nay, chúng ta sẽ có sản phẩm “lúa giảm phát thải” và Cục Trồng trọt sẽ công bố tiêu chuẩn cơ sở ban đầu.


Tin mới